Cảnh giác tác hại của việc “độ” xe đạp điện

01/04/2019 - 06:50

Một chiếc xe đạp điện đã được “độ”. Ảnh: CTV

Một chiếc xe đạp điện đã được “độ”. Ảnh: CTV

An toàn giao thông (ATGT) hiện nay là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Đó là vì tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang trở nên nghiêm trọng. Năm 2018, địa bàn huyện Bình Đại xảy ra 341 vụ TNGT, làm chết 31 người, bị thương 417 người, trong đó có 36 vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, làm 1 người chết, 48 người bị thương.  

Xe đạp điện là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được, có giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân, dễ sử dụng, không yêu cầu giấy phép lái xe nên xe đạp điện là một trong những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phổ biến hiện nay; đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh.

Thời gian gần đây, tình trạng người sử dụng xe đạp điện thường tìm đến những cơ sở sửa chữa xe yêu cầu cải tạo thiết kế xe theo sở thích của bản thân ngày càng tăng. Việc cải tạo, thay đổi thiết kế xe diễn ra rất đa dạng, như: Thay đổi cổ xe bằng thanh inox gắn cúp xuống, gắn thêm còi với âm thanh rất lớn, yên xe thay đổi bằng thanh gỗ, tem nhãn thì dán đủ các loại hình dạng, màu sắc sặc sỡ... Đặc biệt là gắn thêm bình ắc-quy, “bo” mạch điện để tăng tốc độ lên đến 50 - 60km/h. Những thanh thiếu niên khi điều khiển xe phải cúi người sát tay cầm như vậy không còn đảm bảo tư thế điều khiển an toàn, lại chạy với tốc cao, không đội mũ bảo hiểm, kéo - đẩy xe khác, dàng hàng 2, hàng 3... dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Để phòng ngừa TNGT nói chung và TNGT liên quan đến xe đạp điện nói riêng, đề nghị mọi người quan tâm thực hiện tốt những nội dung sau:

- Nhà trường thường xuyên tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của các em học sinh khi tham gia giao thông; không điều khiển xe đạp điện thay đổi hình dáng, kết cấu xe, gắn thêm bình ắc-quy, bo mạch điện; đồng thời, vận động gia đình phối hợp giáo dục, quản lý con em, không để con em điều khiển những loại xe đạp điện nêu trên.

- Mỗi gia đình phải quản lý, giáo dục con em mình chặt chẽ, quản lý phương tiện con em điều khiển khi tham gia giao thông, không để các em tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng xe, gắn thêm bình ắc-quy; nhắc nhở các em phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và gương mẫu trong việc thực hiện Luật giao thông đường bộ.

- Các cơ sở sửa chữa tuyên truyền vận động những thanh thiếu niên mang xe đạp điện đến cơ sở mình sửa xe tuyệt đối không cải tạo, thiết kế lại xe đạp điện, gắn thêm bình, thay đổi hình dáng xe không đảm bảo an toàn cho người điều khiển.

- Khi phát hiện những trường hợp điều khiển xe đã bị thay đổi thiết kế hoặc “độ” máy, mọi người cần nhanh chóng báo ngay với lực lượng cảnh sát giao thông hoặc lực lượng công an nơi gần nhất để xử lý.

Minh Ngọc - Trần Thắng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN