Đối tượng đã giả danh cán bộ của các cơ quan như điện lực, bưu điện, công ty bán hàng hoặc cơ quan thực thi pháp luật... hù dọa người dân để chiếm đoạt tiền. Một số đối tượng giả danh là nhân viên nhà mạng, lừa đảo chủ thuê bao điện thoại di động để lấy mã OTP (mật khẩu bảo vệ cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến…) của chủ sử dụng để đăng nhập các ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart…) và chiếm đoạt tiền.
Theo người dân địa phương, cuối tháng 2-2022, có một người thanh niên ăn mặc như thợ điện tìm tới nhà ông T (69 tuổi, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm) yêu cầu cho kiểm tra đường điện. Ông T tưởng là thợ điện thật nên bảo người này cứ tự nhiên. Khi “thợ điện” ra về, ông T mới hay số tiền hơn 35 triệu đồng ông để dưới tấm nệm ở đầu giường đã mất…
Đại úy Võ Phước Toàn - Phó trưởng Công an xã Tân Lợi Thạnh cho hay: Công an xã nắm tình hình vụ việc xảy ra trên địa bàn qua dư luận quần chúng. Gia đình ông T không khai báo với Công an xã và cho rằng ông T đã lớn tuổi, đang xảy ra dịch Covid-19 không muốn đi lại hay tiếp xúc với nhiều người và từ chối việc Công an xác minh, điều tra. Đối tượng giả danh nhân viên điện lực đã tìm hiểu gia đình ông T, biết ông vừa thu hoạch dừa có số tiền lớn và tiền con cháu lì xì trong dịp Tết.
Trước đây, trên địa bàn xã Tân Lợi Thạnh từng xảy ra trường hợp đối tượng lừa đảo giả danh là người làm từ thiện tới nhà bà C (hơn 70 tuổi) ở ấp Giồng Chùa. Đối tượng nói với bà C là có đoàn từ thiện tới tặng quà cho hộ nghèo, người già khó khăn và bảo bà C tháo chiếc nhẫn vàng đeo trên tay để cất giữ dùm, nếu để tay có đeo vàng thì sẽ không được nhận quà từ thiện. Sau khi lừa lấy được chiếc nhẫn (1 chỉ vàng 24k) của bà C, đối tượng đã nhanh chân tẩu thoát. Tại xã khác (cùng huyện Giồng Trôm), đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân quê, gạ bán được thang nhôm (loại xếp) với giá cao hơn thị trường rất nhiều.
Theo Đại úy Võ Phước Toàn - Phó trưởng Công an xã Tân Lợi Thạnh: Công an xã đã thông báo về thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian trên loa truyền thanh, hội đồng bảo vệ an ninh trật tự ở các ấp và tổ nhân dân tự quản. Tuy nhiên, do người dân nông thôn tính tình thật thà nên dễ bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện thủ đoạn lừa đảo. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và có nhiều dịch vụ như giao hàng online, shipper tới tận nhà dân, đối tượng đã lợi dụng và trà trộn vào những người giao hàng này để nắm tình hình nhằm thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.
Qua các vụ việc nêu trên, mong rằng các ngành, đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân. Mỗi hộ gia đình và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với tội phạm; đồng thời, phối hợp tốt với cơ quan công an để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Huỳnh Đức