Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online

02/03/2022 - 06:15

BDK - Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công ty, doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều người đã tìm đến công việc kinh doanh, mua bán online. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của những người thiếu cảnh giác dưới hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online.

Một quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên trên mạng xã hội.

Một quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên trên mạng xã hội.

“Mồi nhử” hấp dẫn

Các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên của các công ty thương mại điện tử liên tục đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tìm cộng tác viên bán hàng online với những nội dung như Shopee, Lazada, Tiki… tuyển cộng tác viên làm việc online tại nhà, kiếm tiền đơn giản, không ôm hàng... với yêu cầu tuyển dụng phải có điện thoại hoặc máy tính và tài khoản ngân hàng.

“Mồi nhử” chúng đưa ra rất hấp dẫn như: mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do những kẻ lừa đảo cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).

Ban đầu, để tạo lòng tin và kích thích lòng tham của nạn nhân, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1 - 2 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận. Với những người cảnh giác, chỉ nhận ảnh và bài viết có sẵn rồi đăng tải, sau đó “công ty” tự chuyển hàng để ăn hoa hồng thì chỉ sau vài đơn hàng, họ sẽ bị “công ty” chặn Facebook và liệt vào con mồi không có tiềm năng.

Khi nạn nhân đã “cắn câu” chuyển số tiền đến vài chục triệu đồng thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như: nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm, nội dung chuyển khoản không đúng, cần chuyển thêm phí để khắc phục sự cố… Do không nhận thức được thủ đoạn của các đối tượng, nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng.

6 trường hợp bị lừa đảo gần 1,3 tỷ đồng

Đầu tháng 12-2021, chị T.K.K, ngụ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tham gia trang “Việc làm online” để kiếm việc làm tăng thêm thu nhập. Chị K liên hệ với tài khoản Zalo “Uy Uy” để được hướng dẫn tham gia mua hàng nhằm tăng uy tín và doanh số bán hàng. Người này giới thiệu là nhân viên của Shopee và có địa chỉ ở Hà Nội. “Uy Uy” hướng dẫn chị K làm nhiệm vụ mua hàng qua các link sản phẩm của Shopee bằng cách thanh toán đơn hàng vào số tài khoản “Uy Uy” gửi, sau khi hoàn thành sẽ nhận được hoa hồng theo đơn hàng. Các đơn hàng đầu tiên chị K hoàn thành thì được nhận tiền gốc và hoa hồng nhưng với các đơn giá trị cao thì bắt đầu không được nhận nữa. Với nhiều lần chuyển tiền, chị K đã chuyển tổng cộng 160 triệu đồng cho kẻ lừa đảo.

Trên thực tế, để có được nhiều đơn hàng bán thành công, nhiều đánh giá 5 sao và nhận vị trí tốt trong bảng bán hàng của sàn điện tử, một số cửa hàng đã sử dụng cách thuê người dùng nhiều tài khoản khác nhau để đặt đơn hàng. Họ sẽ mất tiền thuê và tiền ship với mục đích tăng số lượng đơn hàng thành công, tăng uy tín cho shop. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về cách thức hoạt động của nó. Đó cũng là kẽ hở mà các đối tượng lừa đảo lợi dụng để lừa tiền các nạn nhân.

Một nạn nhân khác là chị L.T.H.T, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành đã bị lừa tổng cộng 800 triệu đồng. Ngày 21-2-2022, chị T tham gia trang kiếm tiền online Shopping market. Chị T được một tài khoản Zalo giới thiệu công việc và hướng dẫn cách mua hàng, nếu được xét duyệt sẽ được hoa hồng theo giá trị đơn hàng. Các đơn hàng đầu tiên chị T hoàn thành thì được nhận tiền gốc và hoa hồng nhưng với đơn giá trị cao thì bắt đầu không được tiền. Đối tượng đưa ra nhiều lý do yêu cầu chị T chuyển tiền nhiều lần. Sau đó, chị không còn liên lạc được với đối tượng.

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận 6 trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn tuyển dụng cộng tác viên làm việc online, với tổng thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng. “Trước tình hình tội phạm lừa đảo đang có xu hướng diễn biến phức tạp, mọi người cần thận trọng khi mua bán hàng, giao dịch online, tham gia các nhóm tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên kinh doanh online thì cần tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hóa, địa chỉ công ty, doanh nghiệp mình cộng tác để có thông tin chính xác. Với những khoản tiền lớn, chúng ta chỉ chuyển tài khoản của công ty, tuyệt đối không chuyển vào tài khoản cá nhân do đối tượng cung cấp”, Trung tá Lưu Gia Hiến - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN