Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

27/10/2021 - 06:24

BDK - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gây thiệt hại lớn về tài sản của nhiều người.

Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao. (Ảnh tư liệu)

Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao. (Ảnh tư liệu)

Chiêu thức lừa đảo

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiếp nhận tố giác trên 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức sử dụng công nghệ cao với tài sản thiệt hại hàng tỷ đồng. Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ, cả tin, hám lợi của nhiều người để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong thời gian gần đây là giả danh nhân viên nhà mạng. Các đối tượng gọi cho chủ thuê bao điện thoại di động với lý do nâng cấp sim điện thoại (từ 3G lên 4G, 4G lên 5G) hoặc với các lý do khác để lấy mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng 1 lần) của chủ thuê bao để chiếm quyền sử dụng số điện thoại. Sau đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại vừa chiếm đoạt được để đăng nhập vào các ví điện tử (Momo, Zalo Pay, VnMart…) và chiếm đoạt tiền trong các ví điện tử.

Vào ngày 23-9-2021, chị N.T.H, ngụ TP. Bến Tre bị đối tượng chưa rõ thông tin, giả danh là nhân viên nhà mạng gọi đến số điện thoại của chị H nói số điện thoại của chị cần nâng cấp từ sim 3G lên sim 4G, yêu cầu cung cấp mã OTP để nâng cấp sim. Sau khi chị H cung cấp mã OTP cho đối tượng, số điện thoại chị H không còn sử dụng được và email của chị H nhận được nhiều tin nhắn từ các ngân hàng báo số tiền trong tài khoản bị giảm tổng cộng trên 45 triệu đồng.

Một trong những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác được tội phạm công nghệ cao thường sử dụng là kêu gọi đầu tư vào sàn tài chính ảo. Các đối tượng tự lập ra sàn tài chính ảo và dễ dàng can thiệp vào kết quả giao dịch trên sàn để hưởng lợi bất hợp pháp từ nguồn đầu tư tài chính của người dân. Sau khi lập sàn tài chính ảo, các đối tượng bắt đầu thông qua mạng Internet, mạng xã hội để kêu gọi đầu tư kèm theo những lợi ích rất hấp dẫn đánh vào lòng tham của những người chơi như: nhận lãi suất hàng ngày, nhanh thu hồi vốn, đầu tư càng nhiều thì lợi nhuận càng cao, được hưởng hoa hồng nếu giới thiệu cho người khác tham gia và nhận được thêm nhiều ưu đãi khác… Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư, nếu nhà đầu tư không tiếp tục bỏ tiền thêm hoặc không giới thiệu được người khác tham gia thì các đối tượng sẽ cho sập sàn, cắt đứt liên lạc với người đầu tư, đồng nghĩa với việc người chơi sẽ mất hết số tiền đầu tư từ trước đến nay.

Điển hình, từ tháng 10-2020 đến tháng 1-2021, nhiều người dân ở các địa phương khác đã đầu tư vào sàn tài chính ảo có website: https://trade-global.io, với lãi suất 1%/ngày, do một đối tượng đăng ký thường trú ở Bến Tre tạo ra. Tuy nhiên, sau khi tham gia được một thời gian thì sàn tài chính này bị sập và nhiều người bị mất tiền tổng cộng hơn 500 triệu đồng.

Cho vay tiền qua App

Tội phạm sử dụng công nghệ cao còn sử dụng thủ đoạn cho vay tiền qua App, đòi nợ người vay bằng hình thức “xã hội đen”.

Các đối tượng cho vay tiền với thủ tục đơn giản, chỉ cần chụp hình người vay, ảnh giấy chứng minh nhân dân, cung cấp tài khoản ngân hàng của người vay và số điện thoại của người thân. Ngoài ra, khi tải các App vay tiền trên để cài đặt, đăng ký vay tiền thì người vay còn phải cho các App này truy cập vào danh bạ điện thoại, tệp hình ảnh, video trên điện thoại, ghi âm cuộc gọi, tài khoản Zalo, Facebook mới được cho vay tiền. Sau khi vay tiền, nếu người vay không còn khả năng trả nợ và lãi thì các đối tượng cho vay sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè và những người có quen biết với người vay để đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm gây áp lực để những người này tác động người vay trả nợ hoặc trả thay cho người vay. Nếu người vay tiếp tục không trả nợ thì các đối tượng này sẽ sử dụng các hình ảnh của người vay hoặc người thân, bạn bè, người quen biết với người vay để cắt ghép với các ảnh nhạy cảm sau đó đăng tải lên mạng xã hội để phát tán, đe dọa, tung tin sai sự thật để nói xấu, làm nhục gây áp lực để người vay trả nợ.

Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và hạn chế những thiệt hại về vật chất và tinh thần có thể xảy ra cho người dân, Thượng tá Phạm Văn Thọ - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo: “Người dân không nên cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Đồng thời, không nên bỏ tiền đầu tư vào các sàn tài chính ảo vì khả năng mất hết tiền là rất cao nếu người chơi không tiếp tục đầu tư và giới thiệu thêm người khác tham gia. Người dân tuyệt đối không vay tiền qua các App vì sẽ dễ dàng vướng vào bẫy nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng uy tín để thực hiện giao dịch hợp pháp…”.

Để góp phần bảo vệ tài sản của chính mình, mọi người cần phải nâng cao cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nếu phát hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Lê Nguyễn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích