
Lực lượng công an làm việc với đối tượng đăng tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức. Ảnh: CTV
Nhận diện tin giả
Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền, nhằm mục đích, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem. Hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên MXH.
Tin giả, tin sai sự thật tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những bài nghiên cứu, bài báo, clip âm thanh, hình ảnh, bình luận trên các diễn đàn đến những thông tin quảng cáo. Tin giả, tin sai sự thật thường được cường điệu, hàm chứa sự ly kỳ, hấp dẫn, dễ đánh vào cảm xúc, tâm lý của đại bộ phận nhân dân, nhất là đối với những người cao tuổi và thanh thiếu niên.
Những dấu hiệu có thể nhận biết một tin giả, tin sai sự thật như: tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề nóng mà mọi người quan tâm; thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; thông tin xuất hiện từ các website, tài khoản, kênh nội dung trên MXH thường xuyên tung tin giả, hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.
Tin giả trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng MXH chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thông thường, tin giả được tạo ra có mục đích vụ lợi, nhằm câu like, câu view để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật giả lẫn lộn lên mạng, nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để tạo dựng tin giả, các đối tượng thường tạo lập các tài khoản cá nhân trên MXH, mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; cắt ghép, dàn dựng, chỉnh sửa nội dung để đăng tải tin giả, tin sai sự thật, nhằm dẫn dắt dư luận. Chúng còn kết hợp giữa thông tin có thật với sự kiện không có trong thực tế để làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; ngụy tạo thông tin gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
Sàng lọc và cảnh giác trước tin giả
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán tin giả, tin sai sự thật vi phạm pháp luật. Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an ninh mạng, các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia vào môi trường mạng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để người dân tiếp cận.
Mới đây, Công an huyện Châu Thành đã mời làm việc và trao quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng với đối tượng Đ.M.S, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, hiện tạm trú tại huyện Châu Thành về hành vi cung cấp thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Trước đó, vào 18 giờ ngày 12-9-2023, Đ.M.S sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin lên nhóm Facebook “Tôi Yêu Bến Tre” nội dung: “Trên đoạn đường về Châu Thành, Bến Tre cúp đầu xe tống tiền anh em cẩn thận. Nhóm 4 xe tầm 8 người”, để ở chế độ công khai. Đến sáng 13-9-2023, có hơn 130 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 60 lượt bình luận và hơn 30 lượt chia sẻ nội dung trên gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tại cơ quan công an, Đ.M.S thừa nhận hành vi, nhận thức vi phạm và tự nguyện tháo gỡ thông tin vi phạm, cam kết không tái phạm.
Bên cạnh sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp, nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả để tránh cho bản thân vì thiếu hiểu biết mà vô tình tiếp tay lan truyền tin giả.
Khi nghi ngờ một tin giả, người dân cần kiểm tra, xác minh bằng cách xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả, kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết; đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng. Để tránh bẫy tin giả, khi sử dụng MXH, người dân không nên tin ngay vào tất cả mọi thứ bạn thấy trên mạng. Cần suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, đăng tải hoặc bình luận bất kỳ video, hình ảnh, tin tức nào xem trên mạng.
Để góp phần phòng chống tin giả, mỗi người sử dụng MXH cần thể hiện trách nhiệm của mình. Khi phát hiện tin giả, người dân có thể lưu lại bằng chứng (đường link, chụp ảnh màn hình tin, bài viết nghi là giả). Không chia sẻ, đồng thời phải cảnh báo cho người thân, bạn bè không chia sẻ những thông tin nghi ngờ là giả này. Thông báo tin giả (kèm theo thông tin, bằng chứng) cho Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại website: https://tingia.gov.vn hoặc email: online.abei@mic.gov.vn. Người dân có thể đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để trình báo vụ việc. |
Thanh Đồng