Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao

29/10/2014 - 07:15

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bến Tre xảy ra nhiều trường hợp bị lừa đảo bằng hình thức sử dụng công nghệ cao. Có vụ, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của nạn nhân số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ lừa đảo qua điện thoại

Lúc 7 giờ 20 ngày 16-10-2014, chị Phan Thị Phương Dung, ngụ khu phố 2, phường Phú Khương, TP. Bến Tre nhận được một cuộc gọi đến máy điện thoại để bàn; đầu dây bên kia là tiếng một phụ nữ tự xưng là nhân viên viễn thông. Người phụ nữ kia nói rằng chị Dung thiếu tiền cước điện thoại; chị Dung bảo không có. Người đó lại nói có người đã sử dụng giấy chứng minh nhân dân của chị Dung để mở tài khoản ngân hàng, nếu chị Dung có thắc mắc gì thì bấm phím số 0. Chị Dung làm theo thì gặp người đàn ông ở đầu dây bên kia tự xưng là công an, nói chị Dung có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy của ông Nguyễn Quang Dũng; chị Dung bảo không có. Người đàn ông đó lại tiếp tục giới thiệu cho chị Dung một người tên Nguyễn Minh Quân và bảo rằng người này sẽ giúp đỡ chị. Người đàn ông tự xưng là công an yêu cầu chị Dung cung cấp số điện thoại di động, chị Dung đã đáp ứng yêu cầu. Khoảng 5 phút sau, chị Dung nhận được cuộc gọi qua điện thoại di động của mình, người ở đầu dây bên kia tự xưng tên Nguyễn Minh Quân, là công an tỉnh Đồng Nai. Anh này bảo rằng đã có đủ chứng cứ để bắt chị Dung (mặc dù chị Dung không phạm tội). Qua điện thoại, chị Dung tỏ ý lo sợ và than vãn hoàn cảnh khó khăn, Quân yêu cầu chị Dung hợp tác thì sẽ giúp đỡ chị. Trong lúc nói chuyện qua điện thoại, người xưng tên Quân yêu cầu chị Dung không cho bất cứ ai biết nội dung trao đổi giữa hai người, chị Dung đồng ý. Quá trình nói chuyện, Quân hỏi số tài khoản, số chứng minh nhân dân của chị Dung và yêu cầu chị Dung chuyển vào tài khoản của Quân số tiền 180 triệu đồng. Khi chuyển tiền xong, chị Dung về nhà thấy nghi ngờ nên đến Công an TP. Bến Tre trình báo nội dung vụ việc. Lực lượng công an tiến hành xác minh, kiểm tra số tài khoản của đối tượng tên Quân thì được biết số tiền trong tài khoản ấy vừa bị rút hết.

Các đối tượng đã dựng lên một màn kịch hoàn hảo để lừa chị Dung lấy số tiền 180 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, trước đó, trong tháng 5-2014, địa bàn TP. Bến Tre cũng đã xảy ra 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Đến lừa đảo qua facebook

Gần đây, trên mạng internet xuất hiện tình trạng một số đối tượng dùng thủ đoạn để trộm mật khẩu nick chat hoặc mật khẩu hộp thư điện tử, sau đó lên mạng giả danh làm người có nick chat hoặc hộp thư rồi vào list, chat với tất cả bạn bè, người thân của bị hại và bắt đầu màn kịch lừa đảo. Ở Bến Tre, đã có một số người bị “sập bẫy” của bọn lừa đảo bằng thủ đoạn như trên nên bị mất tiền. Điển hình là hai trường hợp sau:

Ông Trần Thắng Lợi, ngụ ấp 1, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, hiện đang hợp tác lao động tại Nhật Bản. Ông Lợi có nickname trên facebook là “Lợi Thắng” đã bị đối tượng (chưa xác định) bẻ khóa mạng facebook “Lợi Thắng”. Sau đó, đối tượng sử dụng facebook mang nickname “Lợi Thắng” để lừa đảo người thân trong gia đình ông Lợi bằng thủ đoạn chat nhờ mua giúp card ở Việt Nam giá 100 ngàn đồng để bán ở Nhật với giá 300 ngàn đồng. Do tin tưởng người thân mà không kiểm chứng qua nguồn thông tin khác nên 2 người thân của anh Lợi (ở Giồng Trôm) bị đối tượng lừa chiếm đoạt tổng số tiền trên 45 triệu đồng.

Bà Lê Thị Tố Nhung ở xã An Khánh, huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng là nạn nhân trong một vụ lừa đảo qua facebook với thủ đoạn tương tự. Tổng số tiền đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của bà Nhung lên đến 82,7 triệu đồng. Trước đó, đối tượng đã thực hiện hành vi đánh cắp thông tin về tài khoản và mật khẩu của facebook có nick chat là “Trina Le”- nick chat của em gái bà Nhung (đang định cư ở Mỹ). Đối tượng đã dùng nick chat này nhắn tin qua facebook của bà Nhung hỏi thăm vài câu, sau đó nhờ bà Nhung mua dùm một số thẻ cào điện thoại với lý do đang cần gấp để thanh toán các dịch vụ trên internet và hứa sẽ chuyển trả ngay ngày hôm sau. Bà Nhung đã mua các thẻ cào rồi cung cấp số seri của các thẻ (loại có giá trị 200 ngàn đồng và 500 ngàn đồng) qua facebook. Khi đã gửi các thẻ cào với tổng giá trị lên đến 82,7 triệu đồng thì bà Nhung không còn liên lạc được với facebook “Trina Le”. Khi bà Nhung điện thoại qua Mỹ hỏi thăm em gái thì mới biết mình đã bị lừa.

Và kinh nghiệm cho mọi người

Đối với loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, phần lớn các đối tượng đều sử dụng điện thoại internet (thường có số 00 ở đầu) để liên lạc với nạn nhân. Khi nhận được điện thoại dạng này, mọi người cần bình tĩnh tránh “sập bẫy” bọn xấu; không cung cấp số tài khoản của mình cho đối tượng và không chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng; đồng thời, tìm cách báo tin cho lực lượng công an biết để theo dõi và truy bắt đối tượng. Đối với dạng lừa đảo qua facebook, chúng ta không nên chuyển tiền (card điện thoại hay thẻ cào) qua facebook khi chưa xác định rõ thông tin (thông qua điện thoại) từ bạn bè, người thân có nick chat thường giao tiếp. Trong quá trình sử dụng facebook, không nên cho người khác biết tài khoản và mật khẩu của mình; hạn chế đưa thông tin về bản thân và người thân của mình lên facebook nhằm ngăn chặn khả năng đánh cắp từ các đối tượng. Riêng lực lượng công an khi có yêu cầu làm việc với công dân đều có giấy mời và làm việc tại cơ quan, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại. Mọi hành vi tự xưng cán bộ công an liên hệ qua điện thoại để làm việc riêng với công dân đều là lừa đảo. Đề nghị mọi người cảnh giác.

Xuân Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích