Cảnh giác trước tội phạm làm, mua bán, lưu hành tiền giả

10/11/2021 - 06:16

BDK - Thời gian qua, hoạt động của tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, từ đó, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân, tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước, làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm kiểm soát, đầy lùi tội phạm tiền giả, tuy nhiên, số lượng, tính chất phức tạp của loại tội phạm này vẫn chưa giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng.

Sự khác biệt giữa tiền Việt Nam giả và tiền Việt Nam thật.

Sự khác biệt giữa tiền Việt Nam giả và tiền Việt Nam thật.

Theo số liệu thống kê của Cục An ninh điều tra - Bộ Công an, từ năm 2016 - 2020, Cơ quan An ninh điều tra, Công an toàn quốc đã thụ lý trên 130 vụ án liên quan đến tiền giả với 220 bị can, thu giữ trên 6 tỷ đồng tiền Việt Nam giả. Riêng tại Bến Tre từ năm 2020 đến nay, cơ quan công an đã phát hiện, khởi tố 6 vụ án cùng 8 bị can về tội danh này, thu giữ trên 50 triệu đồng tiền giả.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trước đây tiền giả đa số được các đối tượng sản xuất từ nước ngoài, sau đó được chuyển vào nội địa tiêu thụ với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng đã tự trang bị các máy móc, thiết bị để làm tiền giả và tiêu thụ ngay trong nước. Bọn chúng mua, bán tiền giả với tỷ lệ 1 tiền thật mua được từ 4 - 10 tiền giả.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng tổ chức thành một đường dây liên hoàn từ khâu mua bán, vận chuyển, cất giấu đến tiêu thụ. Địa bàn tiêu thụ thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà khả năng tiếp cận của người dân với các thông tin liên quan đến tiền giả nói riêng còn hạn chế, những nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện. Riêng tại khu vực thành thị, bọn tội phạm cũng lợi dụng khi những người bán hàng đang bận rộn, thiếu cảnh giác hoặc những người già, thị lực kém… để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả. Thông thường để tiêu thụ tiền giả trót lọt, chúng dùng tờ tiền giả mệnh giá lớn mua một loại hàng hóa giá trị rất nhỏ, như thuốc lá, thẻ cào điện thoại, rau củ… để được trả lại bằng tiền thật hoặc để tiền giả xen lẫn với tiền thật khi giao dịch.

Cuối năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Đèo Chị, sinh năm 1968, ngụ xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại về tội lưu hành tiền giả. Theo lời khai của bị can, trong một lần đi khám bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, bị can được Nguyễn Thị Mến tiếp cận, gạ bán tiền giả. Tính đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Thị Đèo Chị đã mua của Nguyễn Thị Mến 52 triệu đồng tiền giả với tỷ lệ 1 tiền thật đổi 3 tiền giả; sau đó bị can sử dụng số tiền giả này đi mua hàng có giá trị nhỏ để nhận tiền thật thối lại ở nhiều địa điểm tại khu vực chợ Thới Lai và Vang Quới Đông (Bình Đại).

Tinh vi hơn, thời gian gần đây, hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả còn sử dụng các trang mạng xã hội để giao dịch nhằm đối phó, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Như trường hợp của Nguyễn Bích Liên, ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách. Sau khi phát hiện thông tin có người rao bán tiền giả trên mạng xã hội, Liên đã tự liên hệ đặt mua 15,7 triệu đồng tiền giả với giá trị tiền thật là 1,5 triệu đồng. Giao dịch xong, Liên mang đi mua hàng ở các tiệm tạp hóa tại địa phương. Đến ngày 20-10-2021, hành vi của Liên đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Dù các đối tượng làm tiền giả có tinh vi thì cũng chỉ giống tiền thật về hình thức khi nhìn thoáng qua; nếu mọi người quan sát kỹ thì sẽ phát hiện được do tiền giả in không tinh xảo. Mọi người có thể phân biệt tiền giả với tiền thật qua một số cách sau: qua kiểm tra số sêri, nếu phát hiện các tờ tiền cùng mệnh giá trùng số sêri là tiền giả; vò nát tờ tiền rồi bỏ ra, tiền thật sẽ co giãn về trạng thái ban đầu, tiền giả sẽ nhăn nhúm; kiểm tra cửa sổ trong suốt (cửa sổ lớn), nếu tiền giả thì không có mệnh giá dập nổi hoặc được dán thêm số mệnh giá hoặc in với chi tiết không tinh xảo; soi tờ bạc trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị nếu là tiền thật thì sẽ nhìn rõ từ 2 mặt, đường nét tinh xảo, sáng trắng; nếu tiền giả, hình bóng chìm không tinh xảo; các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; một số trường hợp không có yếu tố này; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau; vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lõm, tiền thật sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì…

Để góp phần cùng lực lượng chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến tiền giả, tránh rủi ro nhận phải tiền giả, Thượng tá Trần Minh Điền - Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh đề nghị: Mọi người phải có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc nghi tiền giả. Đối với các cơ sở kinh doanh, khi thấy người mua hàng có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ thì cần cảnh giác, kiểm tra cẩn thận tiền trước khi nhận tiền, bán hàng. Khi có nghi ngờ về tiền giả, mọi người phải từ chối nhận; khi phát hiện đối tượng sử dụng tiền giả phải nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất đến giải quyết.

Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi sử dụng tiền giả, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ đều bị xử lý hình sự về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” với mức án tù từ 3 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Mọi người tuyệt đối không được làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả dù dưới bất kỳ hình thức nào để tránh vướng vào vòng lao lý, gây thiệt hại về tài sản của bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Thảo Giang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN