Công an huyện Giồng Trôm làm việc với một đối tượng cướp giật tài sản.
Nhiều vụ cướp giật táo bạo
Bà Trần Thị Nhĩ, ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm bị giật dây chuyền vàng ngay tại tiệm tạp hóa của mình. Khoảng 12 giờ ngày 20-8-2019, một thanh niên đeo khẩu trang giả vờ đến tiệm của bà Nhĩ mua hàng. Khi thấy bà có đeo dây chuyền trên cổ, lại ở nhà một mình, gã thanh niên đã giật sợi dây chuyền 5,5 chỉ vàng 18k rồi lên xe mô tô tẩu thoát.
Tương tự như trường hợp của bà Nhĩ, bà Lưu Thị Thúy Nga, ở xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre cũng bị một thanh niên giả vờ mua hàng rồi giật sợi dây chuyền 2,9 chỉ vàng 18k vào ngày 1-10-2019 ngay tại tiệm tạp hóa của mình. Bà Nga kể: Lúc đầu, gã thanh niên đến tiệm mua đồ nhưng thấy có chồng và con của tôi đang ở trong tiệm nên chưa dám hành động mà bỏ đi ra ngoài (cách tiệm vài chục mét). Khi thấy chồng và con tôi rời khỏi nhà, gã thanh niên quay lại tiệm giả vờ mua thêm trái khóm và nhờ chủ tiệm gọt khóm dùm. Trong lúc bà Nga đang cúi người gọt khóm, tên này liền giật sợi dây chuyền rồi phóng xe mô tô tẩu thoát.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ cướp giật tài sản, giá trị tài sản thiệt hại khoảng 260 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ 20 vụ, khởi tố bắt tạm giam để điều tra 16 đối tượng cướp giật. Hầu hết bị hại trong số các vụ cướp giật tài sản đều là phụ nữ. Điểm chung ở các nạn nhân bị cướp giật là để cho các đối tượng nhìn thấy tài sản và sơ hở trong quản lý tài sản của mình như: đeo dây chuyền vàng nhưng không mặc áo kín cổ để che chắn; cầm điện thoại di động trên tay hoặc nghe điện thoại khi đang chạy xe trên đường; để túi xách trên giỏ xe hoặc máng trên cổ xe rồi chạy xe trên đường; người ngồi trên xe cầm hoặc mang túi xách một cách hớ hênh. Đây là những sơ hở trong quản lý tài sản tạo cơ hội cho bọn tội phạm ra tay cướp giật.
Chủ động phòng tránh
Thượng tá Lê Quang Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Ngoài cướp giật tài sản của phụ nữ đang đi trên đường, các đối tượng tội phạm còn cướp giật tài sản của những người bán vé số, bán hàng rong và những người mua bán tạp hóa ven đường. Thượng tá Minh cũng khuyến cáo mọi người không nên vừa nghe điện thoại vừa tham gia giao thông; khi đeo dây chuyền vàng đi ngoài đường nên mặc áo kín đáo không để người khác nhìn thấy dây chuyền đang đeo, tránh bị cướp giật; không nên mang theo nhiều tài sản đi ra ngoài đường nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, trường hợp có mang nhiều tài sản thì nên để trong cốp xe, không nên để túi xách trên giỏ xe hoặc máng trên cổ xe; đối với những người bán vé số, bán hàng rong nên cẩn thận, cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện khả nghi khi mua bán. Nếu bị cướp giật tài sản, nên bình tĩnh nhận diện đặc điểm của đối tượng, ghi nhớ biển số xe rồi điện báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại 113 để kịp thời xử lý.
Để phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng thì mọi người cần phải nâng cao ý thức cảnh giác trong tự bảo quản tài sản, đừng tự biến mình thành “con mồi” của bọn cướp giật. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, tội phạm cướp giật tài sản tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách nâng cao cảnh giác và có biện pháp bảo vệ tài sản một cách hợp lý nhất.
Bài, ảnh: Văn Thỉnh