Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

01/01/2020 - 07:17

BDK - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, thậm chí là lòng tham của người bị hại, các đối tượng đã câu kết với nhau thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Một nạn nhân bị lừa đảo đến báo tin cho cơ quan Công an.

Một nạn nhân bị lừa đảo đến báo tin cho cơ quan Công an.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài sản thiệt hại gần 18 tỷ đồng. Lực lượng công an đã điều tra làm rõ 15 vụ, khởi tố 24 bị can. Đó là chưa kể đến các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân không trình báo với cơ quan công an.

Thủ đoạn giả danh cơ quan công quyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy đã được các cơ quan báo chí thường xuyên thông tin, tuyên truyền nhưng vẫn còn một số người nhẹ dạ bị “sập bẫy” của bọn xấu. Mới đây, ngày 13-12-2019, bà L.T.P ở huyện Giồng Trôm bị lừa mất số tiền trên 500 triệu đồng. Hôm đó, bà L.T.P nhận được cuộc điện thoại gọi đến tự xưng là nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Việt - TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng ở đầu dây bên kia thông báo bà P. có giao dịch không hợp pháp với Ngân hàng Vietcombank với số tiền 3 tỷ đồng. Kẻ giả danh yêu cầu bà P. chuyển toàn bộ số tiền có trong sổ tiết kiệm của bà cho bọn chúng để tiến hành các bước điều tra làm rõ. Điều đáng nói là mặc dù bà L.T.P không hề liên quan đến giao dịch bất hợp pháp như lời các đối tượng đe dọa nhưng bà vẫn tin và sau đó chuyển tiền 2 lần vào tài khoản do đối tượng cung cấp dẫn đến bị mất số tiền lớn. Đến lần thứ hai chuyển tiền cho đối tượng bà P. mới nghi ngờ mình bị lừa đảo chiếm đoạt tiền nên đến cơ quan công an trình báo thì đã quá muộn.

Ngày 23-12-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Bảo Quốc, sinh năm 1972, ngụ Phường 1, TP. Bến Tre về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Quốc lợi dụng mối quan hệ quen biết với anh Phạm Minh Tuấn, cư trú xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Biết anh Tuấn có nhu cầu vay vốn nên Quốc đã hứa giúp anh Tuấn vay 8 tỷ đồng. Do anh Tuấn tin tưởng Quốc, nên nhiều lần đưa cho Quốc tổng số tiền 661 triệu đồng nhưng Quốc vẫn không vay được tiền. Quốc hẹn trả lại tiền nhưng không thực hiện nên anh Tuấn đã làm đơn tố giác Quốc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một phương thức lừa đảo mới được phát hiện ở tỉnh là các đối tượng câu kết với nhau làm giả hồ sơ, giấy tờ và đóng vai chủ đất đem bán thửa đất đó cho người khác. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo gồm: Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1976; Nguyễn Văn Hận, sinh năm 1966, cả hai cùng cư trú ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; Nguyễn Minh Đạt, sinh năm 1963, ngụ xã Bình Phú, TP. Bến Tre; Huỳnh Văn Chung, sinh năm 1987, ngụ xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách. Trước đó, các đối tượng câu kết nhau làm giả hồ sơ rồi đóng giả làm chủ đất thật rồi bán thửa đất có diện tích trên 3.500m2 ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành cho một người dân ở TP. Hồ Chí Minh với giá 600 triệu đồng. Khi sắp hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu cho người mua đất thì bị cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành các bước điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài các thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm còn thực hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo khác như: Thông báo người thân gặp nạn, sau đó yêu cầu người nhà chuyển tiền qua tài khoản để chúng trang trải viện phí; thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu chuyển tiền làm thủ tục nhận thưởng; dàn cảnh để nạn nhân nhặt được vàng giả sau đó lừa lấy tiền hoặc vàng thật của nạn nhân; thông báo nhận quà tặng từ nước ngoài có giá trị lớn nhưng gặp trục trặc cần phải chuyển tiền để bảo lãnh...

Để tránh bị lừa đảo, mọi người cần phải nêu cao ý thức cảnh giác: khi nhận được các thông tin thông báo qua điện thoại hoặc từ mạng xã hội phải kiểm tra lại thật kỹ mới tiến hành thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo; không giao tiền hoặc tài sản của mình cho những người yêu cầu qua điện thoại…

Mong rằng, mọi người hãy nâng cao ý thức cảnh giác, đừng để các đối tượng có cơ hội lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin hoặc lòng ham muốn có số tài sản lớn của mình rồi trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn thì phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Phương thức, thủ đoạn thường được bọn tội phạm sử dụng là lợi dụng sự tin tưởng, nhẹ dạ, cả tin để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân; giả mạo và tự xưng là cán bộ của cơ quan nhà nước để đe dọa, lừa đảo, ép nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng; lợi dụng các mối quan hệ giao tiếp để thực hiện hành vi lừa đảo… Mỗi phương thức, thủ đoạn lại được các đối tượng sử dụng với chiêu thức tinh vi, xảo quyệt khác nhau. Mọi người hãy nâng cao ý thức cảnh giác để tránh đánh mất tài sản của mình.

Bài, ảnh: Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN