Cảnh giác với loại hình đầu tư kinh doanh ảo trên mạng

23/06/2021 - 06:32

BDK - Những năm gần đây, lợi dụng các tiện ích của internet và mạng xã hội, những kẻ bất lương đã tung nhiều chiêu trò lừa đảo thông qua các hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh ảo trên các trang mạng, nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin, thích ngồi không hưởng lợi. Trong đó, chiêu trò kêu gọi đầu tư kinh doanh ảo với hình thức “tranh” đơn hàng ảo của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là phổ biến nhất, thu hút nhiều người tham gia.

Theo thông tin tự giới thiệu của các trang web loại này, các nhà đầu tư sẽ có nhiệm vụ tranh đơn hàng ảo của các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki... và nhận hoa hồng dựa trên gói đầu tư tham gia. Vì hiện nay, các shop bán hàng trên các trang TMĐT luôn có nhu cầu tìm kiếm đối tác để mua đơn hàng ảo các sản phẩm của shop, nhằm tăng tỷ lệ bán hàng ảo cho sản phẩm để thu hút khách mua hàng.

Khi tham gia vào các trang web này, nhà đầu tư phải đăng ký tài khoản và bắt buộc phải nhập mã của người giới thiệu. Sau khi đăng ký thành công, nhà đầu tư cập nhật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để nhận tiền.

Để được tham gia, nhà đầu tư phải nộp tiền đầu tư tối thiểu là 300 ngàn đồng và bắt đầu làm nhiệm vụ tranh các đơn hàng ảo. Mỗi ngày, nhà đầu tư được tranh 60 đơn hàng, mỗi đơn hàng sẽ nhận được hoa hồng 0,3% trên gói đầu tư tham gia, tổng cộng 5% mỗi ngày (150%/tháng). Ví dụ, nếu nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng để tham gia tranh đơn hàng, sau khi tranh 60 đơn hàng sẽ nhận được từ 4 - 5 triệu đồng/ngày.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn nhận được hoa hồng khi giới thiệu nhà đầu tư mới tham gia nộp tiền và tranh đơn hàng trên các sàn TMĐT. Nhà đầu tư F0 sẽ được hưởng hoa hồng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được, tương tự F1 nhận được 8% hoa hồng của F2, F2 nhận được 4% hoa hồng của F3 trong ngày.

Với cách thức và thủ tục tham gia đơn giản cộng với những lời quảng cáo hấp dẫn như “hoa hồng cao”, “ngồi nhà vẫn kiếm tiền triệu mỗi ngày”, “việc nhẹ lương cao”... các trang web lừa đảo dạng này đã thu hút được hàng ngàn người tham gia. Sau vài lần được trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh, các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi các khoản lợi lớn nên an tâm nạp thêm các khoản tiền lớn hơn vào tài khoản với hy vọng thu về nhiều hoa hồng hơn, đến lúc đó, đối tượng lừa đảo quyết định đánh sập trang web, lấy sạch tiền của các nhà đầu tư và lập các trang web mới để tiếp tục lừa đảo.

Bằng thủ đoạn trên, thời gian qua, nhiều website lừa đảo đã huy động và chiếm đoạt của các nhà đầu tư hàng chục tỷ đồng, điển hình là vào tháng 10-2020, hệ thống của website tailoc888.net và ứng dụng tailoc888 cho nhà đầu tư tham gia “giật” đơn hàng ảo trên các sàn TMĐT lớn đã bị sập, khiến nhiều người bị mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.

Với phương thức, thủ đoạn tương tự, trang web webshopping.cc và shop555.cc (ứng dụng Shopping Mail) thời gian qua đã huy động được rất nhiều người tham gia đầu tư kinh doanh ảo. Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng đã xác định nhiều tài khoản ngân hàng do các cá nhân trong nước mở tại các ngân hàng thương mại cổ phần để nhận tiền của các nhà đầu tư tham gia vào các website webshopping.cc và shop555.cc, các tài khoản ngân hàng này thường được các đối tượng cầm đầu nhóm lừa đảo thuê, mượn của người khác để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Ước tính số tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho nhóm người điều hành webshopping.cc và shop555.cc lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, từ ngày 14-4-2021, các website trên đã không thể truy cập được. Rất có khả năng các website này cũng bị chính chủ nhân cố tình đánh sập, nhằm cuỗm sạch số tiền hàng chục tỷ đồng của các nhà đầu tư, như một số website lừa đảo trước đó.

Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công việc làm ăn, kinh doanh không được thuận lợi, nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, đang có nhu cầu kiếm tiền để mưu sinh mà không cần phải đi lại giao dịch trực tiếp với bên ngoài, các đối tượng xấu càng gia tăng các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Để không bị rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”, đề nghị mọi người hãy cảnh giác, đừng để bị cám dỗ bởi những lời quảng cáo bày cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng theo kiểu “việc nhẹ lương cao”.

Thanh Liêm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích