Nạn nhân trình báo sự việc với cơ quan công an.
Ngày 3-8-2023, bà N.T.H.T, sinh năm 1980, ngụ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, đến cơ quan công an trình báo: Trước đó 2 ngày, một người xưng là nhân viên nhà mạng gọi điện thông báo số điện thoại của bà T sắp bị khóa 2 chiều để lực lượng công an tiến hành điều tra do có liên quan đến một vụ án. Tiếp đó, đối tượng chuyển cuộc gọi đến người xưng là cán bộ điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh, nói rằng đang tiến hành điều tra vụ án mua bán người, trong đó đối tượng cầm đầu khai đã chuyển 1,6 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng được đăng ký bằng số căn cước công dân của bà T. Nhận thấy nạn nhân tỏ ra hoang mang, đối tượng tiếp tục khai thác thông tin về tài khoản ngân hàng và tổng số tiền nạn nhân đang gửi. Tiếp tục áp đảo tinh thần, đối tượng cho rằng số tiền trong tài khoản của bà T nghi do phạm tội mà có nên yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để kiểm tra, nếu chứng minh không có liên quan chúng sẽ hoàn trả lại. Đồng thời, bọn chúng yêu cầu bà T không được để người khác biết. Vì lo sợ nên bà T đã không nói với gia đình và 6 lần chuyển tiền cho đối tượng, với tổng số tiền là 738 triệu đồng. Nói về lý do vì sao bản thân lại tin và làm theo những điều đối tượng yêu cầu, bà T chia sẻ: “Thật sự khi nghe điện thoại của bọn chúng, tôi cũng cảm thấy nghi ngờ nhưng do chúng liên tục áp đảo tinh thần, nói những điều tưởng chừng như đang theo dõi và biết hết mọi chuyện về mình làm tôi rất sợ nên chúng nói gì tôi cũng làm theo”.
Trước đó không lâu, bà N.T.T, sinh năm 1961, ngụ phường Phú Khương, TP. Bến Tre cũng đã bị lừa mất 2 tỷ đồng. Theo hồ sơ ghi nhận, bà T cũng bị một người xưng là nhân viên nhà mạng thông báo số điện thoại của bà đang sử dụng sắp bị khóa 2 chiều do có liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Sau đó, 2 người xưng là cán bộ điều tra Công an TP. Hà Nội gọi đến nói rằng bà T là nghi phạm chính trong vụ án và hỏi nạn nhân có muốn được minh oan hay không? Khi nạn nhân đồng ý, bọn chúng chuyển máy cho gặp một người tự xưng là Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội. Đối tượng này cho biết khả năng ngân hàng đã bán thông tin của bà T cho đường dây tội phạm, yêu cầu bà T mở một tài khoản mới cùng hệ thống ngân hàng, sau đó chuyển toàn bộ tiền vào đó và cung cấp mã OTP để bọn chúng kiểm tra. Nghĩ là chuyển tiền vào tài khoản của mình cũng không mất mát gì nên bà T đồng ý làm theo. Bà không ngờ rằng với thông tin tài khoản và mã OTP mà bà đã cung cấp, bọn lừa đảo đã rút toàn bộ số tiền bà T vừa chuyển vào tài khoản mới của mình.
Qua 2 vụ việc cho thấy, thủ đoạn của bọn lừa đảo không mới, chủ yếu chúng áp đảo tinh thần để yêu cầu bị hại làm theo yêu cầu. Thông thường chúng bắt đầu từ việc giả danh nhân viên nhà mạng, sau đó chuyển cho đối tượng khác tự xưng là cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo bị hại có liên qua đến các vụ án mua bán người, rửa tiền, ma túy… sau đó khai thác thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để kiểm tra; đồng thời, gây áp lực buộc nạn nhân giữ bí mật, tuyệt đối không để người khác biết chuyện nhằm mục đích dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Đối với thủ đoạn lừa đảo này, khả năng nhận dạng và bình tĩnh xử lý của bị hại rất quan trọng, mang tính quyết định trong việc ngăn chặn bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phía cơ quan chức năng, Thiếu tá Lê Thanh Hải - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo: Khi bị các đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện thoại nói mình đang liên quan đến vụ án, tổ chức tội phạm yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra, chứng minh bản thân vô tội, người dân tuyệt đối không tin, không làm theo bất cứ yêu cầu gì của đối tượng. Trong trường hợp này, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, các nhóm lừa đảo qua mạng nói chung và lừa đảo với thủ đoạn giả danh công an nói riêng đều ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tài khoản chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đều không chính chủ, sau khi nhận tiền chúng sẽ tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản khác nên việc xác minh, thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cách đối phó hiệu quả nhất đối với loại tội phạm này là mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và bình tĩnh xử lý để không trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. |
Bài, ảnh: Đăng Khoa