Cảnh giác với tội phạm cướp giật tài sản

25/10/2017 - 07:03
Cơ quan công an làm việc với đối tượng cướp giật tài sản Nguyễn Minh Phước. Ảnh: Quang Duy

Thời gian qua, lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

 

Tình hình phạm pháp hình sự được kéo giảm; trong đó, tội phạm cướp giật tài sản giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, 44 vụ cướp giật tài sản đã xảy ra từ đầu năm 2017 đến nay vẫn còn là một con số đáng lo ngại, đòi hỏi các cơ quan chức năng và nhân dân cần hành động mạnh mẽ hơn để tiếp tục kéo giảm tội phạm nguy hiểm này.

Cẩn thận khi mang tài sản

Qua các vụ cướp giật đã xảy ra cho thấy, tài sản tội phạm nhắm đến là dây chuyền, điện thoại di động và túi xách. Thông thường, bọn cướp giật dùng xe mô tô làm phương tiện gây án. Chúng rảo xe trên các tuyến đường, khi phát hiện sơ hở của người đi đường như đeo dây chuyền để bên ngoài cổ áo, nghe điện thoại di động, để túi xách trong giỏ xe hay treo sơ sài trên xe thì ra tay giật lấy rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Sáng 2-7-2017, hai đối tượng Nguyễn Minh Phước (sinh năm 1989, thường trú tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) và Trương Minh Khánh (sinh năm 1996, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chở nhau trên xe mô tô đi từ huyện Châu Thành đến huyện Giồng Trôm với ý định tìm sơ hở của người đi đường để cướp giật tài sản. Đến địa bàn xã Lương Hòa (Giồng Trôm), bọn chúng đã giật một sợi dây chuyền 3,5 chỉ vàng 18K của một người đi đường. Trên đường tẩu thoát, hai đối tượng này tiếp tục giật một sợi dây chuyền 6 chỉ vàng 18K của một người khác. Khi chạy đến địa phận xã Phước Long, cả hai tên này đã bị lực lượng công an bắt gọn. Tại cơ quan công an, Phước và Khánh khai nhận, với phương thức hoạt động phạm tội như trên, bọn chúng đã thực hiện trót lọt 15 vụ cướp giật tài sản tại địa bàn các huyện Ba Tri, Châu Thành và Giồng Trôm.

Hai nạn nhân trong vụ cướp giật vừa nêu đã được cơ quan công an trao trả lại tài sản bị mất, nhưng đây là một bài học cho họ và nhiều người khác trong việc bảo vệ tài sản cũng như sự an toàn của bản thân. Việc đeo dây chuyền có giá trị lớn khi đi trên đường vô tình biến chúng ta trở thành miếng mồi ngon cho bọn cướp giật. Chẳng những bị giật tài sản mà nạn nhân còn có nguy cơ té ngã, tai nạn khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do vậy, khi tham gia giao thông trên đường, người có đeo dây chuyền nên mặc áo khoác che kín cổ để bọn cướp giật không nhìn thấy và cũng không có điều kiện gây án.

Nhiều vụ cướp giật khác đã xảy ra có yếu tố bất cẩn của nạn nhân như trường hợp của chị B.T.B.N. (ngụ xã Bình Phú, TP. Bến Tre). Chiều 1-7-2017, khi dừng xe mô tô nghe điện thoại trên đường Nguyễn Thị Định (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre), chị B.T.B.N. bị hai thanh niên đi xe mô tô từ phía sau chạy tới giật chiếc điện thoại rồi phóng xe tẩu thoát. Hai đối tượng này sau đó đã bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh phối hợp với Công an TP. Bến Tre bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Luôn cẩn thận đề phòng

Khi trở thành nạn nhân của bọn cướp giật, chị B.T.B.N. mới thật sự nhận thấy sự cẩn thận là không bao giờ thừa. Chị B.T.B.N. cho biết: “Trước đây dù đã nghe báo, đài nói nhiều về tội phạm cướp giật nhưng tôi chưa có sự cảnh giác. Bây giờ ra đường, tôi đã cẩn thận hơn, khi nghe điện thoại thì dừng xe vào lề đường, thường xuyên quan sát kính chiếu hậu của xe xem có đối tượng nào khả nghi đang tiến về phía mình hay không? Nếu có thì tạm dừng cuộc nói chuyện, nhanh chóng cất điện thoại. Làm như vậy kẻ gian không có cơ hội để ra tay”.

Ngoài dây chuyền và điện thoại di động, tội phạm cướp giật còn nhắm đến túi xách của học sinh và phụ nữ. Do đó, để đảm bảo an toàn khi mang theo túi xách đi trên đường, chúng ta nên để túi xách trong khoang chứa hành lý của xe (cốp xe) nếu có. Trường hợp xe không có cốp cần phải cột chặt quai túi xách vào xe cho an toàn.

Tội phạm cướp giật tài sản tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể đề phòng nếu mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản cũng như sự an toàn của bản thân mình. Khi không may bị cướp giật, nạn nhân cần bình tĩnh ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, hướng tẩu thoát của đối tượng, chủng loại, màu sắc và biển số xe, sau đó nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Đội Cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại 113. Nạn nhân báo tin càng sớm và cung cấp càng nhiều thông tin về đối tượng cướp giật thì việc truy bắt thủ phạm sẽ càng được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

 

Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN