Cao điểm xâm nhập mặn khan hiếm nước ngọt

19/03/2024 - 13:13

BDK.VN - Theo báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả theo dõi, giám sát độ mặn nguồn nước sau xử lý của các đơn vị cung cấp nước đô thị và công nghiệp, hiện tại đang vào giai đoạn cao điểm của xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, xâm nhập mặn đã tăng cao ở hầu hết các vị trí lấy nước của các nhà máy nước.

Độ mặn trong cống đập Sơn Đốc 2 (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) tiếp cận 4‰

Độ mặn trong cống đập Sơn Đốc 2 (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) tiếp cận 4‰.

Các đơn vị cấp nước đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị vận hành các công trình thủy lợi để bảo vệ nguồn nước khai thác, kết hợp với việc vận hành tối đa công suất của các hệ thống lọc RO để đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Thanh Bình, hiện tình hình xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gay gắt, công ty đang vận hành hết công suất các công trình ứng phó hạn mặn của công ty đã đầu tư và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành đóng, mở các cống để ngăn mặn, trữ ngọt; vận hành các thuyền bơm trên đập tạm Thành Triệu, trạm bơm cống Tân Phú để bổ sung thêm lượng nước ngọt về lưu vực chứa nước ngọt, đảm bảo nước sản xuất cho các nhà máy và mua nước ngọt thô từ xà lan bơm vào Nhà máy nước Chợ Lách để xử lý khung thời gian đỉnh triều khi nước sông có độ mặn cao.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre còn mua nước ngọt đã xử lý qua hệ thống khử mặn RO của Công ty TNHH MTV Giải pháp công nghệ nước và môi trường Đỗ Hoàn Sinh và Công ty cổ phần Sản xuất thương mại N.I.D để đảm bảo nguồn nước ngọt cho tất cả các nhà máy nước của công ty cung cấp, phục vụ cho người dân.

Hiện tại nguồn nước trên hệ thống kênh, rạch bị nhiễm mặn cao. Các ao chứa nước thô của người dân cũng đã nhiễm mặn và cạn kiệt. Người dân ngoài sử dụng nước để sinh hoạt còn dùng nước máy trực tiếp hoặc pha loãng với nước sông để tưới cây trồng, vật nuôi làm cho nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng đột biến từ 30 - 40%, gây quá tải hệ thống đường ống cấp nước, gây tình trạng nước yếu và mất nước ở khu vực cuối mạng lưới vào các khung giờ cao điểm.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Thanh Bình, để công tác ứng phó hạn mặn năm 2024 có hiệu quả và vận hành an toàn hệ thống, công ty đã có đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố hỗ trợ công ty tuyên truyền người dân về việc sử dụng nước. Khách hàng sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, không lãng phí nước. Tắt, khóa các thiết bị sử dụng nước khi không sử dụng, kiểm tra đường ống phía sau đồng hồ nước, các van khóa, bồn chứa, thiết bị sử dụng nước... xem có bị rò rỉ hay không để kịp thời sửa chữa.

Đối với các hộ dân có trang bị bồn trữ nước thì lắp đặt thêm van phao tự động để ban đêm khi áp lực nước mạnh sẽ tự động tích trữ vào bồn chứa. Điều tiết sử dụng trong giờ cao điểm ban ngày khi nhu cầu dùng nước của người dân tăng cao, đột biến. Công ty sẽ duy trì áp lực vào ban đêm để khách hàng ở các khu vực xa trung tâm lấy nước dự trữ. Sử dụng nước sinh hoạt đúng mục đích, không dùng nước sinh hoạt để tưới hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi, tháo xuống ao cá... Sử dụng nước sinh hoạt đúng quy định, không dùng bơm hút nước trong đường ống hoặc các hình thức hút nước khác. Không lấy nguồn nước ngọt tại hộ gia đình hoặc vòi công cộng chuyên chở đem bán ở nơi khác khan hiếm nước ngọt, nhằm thu lợi bất chính. Bảo vệ nguồn nước kênh rạch, ao chứa nước; không xả chất thải, chăn nuôi trên kênh; không phun thuốc hoặc cắt lục bình nhưng không trục vớt gây phân hủy làm ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là trong khu vực ngăn mặn, trữ ngọt. Nghiêm cấm hành vi tác động xâm hại đến đường ống cấp nước gây hư hỏng dẫn đến sự cố mất nước.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN