1. Tính ưu việt của thẻ CCCD có gắn chíp điện tử
Độ bảo mật cao, khó làm giả, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm, phù hợp với xu thế công nghiệp số và xây dựng Chính phủ điện tử của Nhà nước.
Thẻ CCCD gắn chíp có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không mang nhiều loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế…
Dữ liệu trên chíp điện tử có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực được ngay danh tính, hạn chế tối đa việc mạo danh tính.
Chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD hoàn toàn không có chức năng định vị, theo dõi, xác định vị trí của công dân.
2. Đối tượng cấp CCCD
Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp chứng minh nhân dân (CMND)/CCCD.
Công dân đã được cấp CMND 9 số, 12 số, CCCD mã vạch.
Các nhân khẩu tạm trú vẫn làm được CCCD khi cơ quan công an hoàn thành thủ tục thu Phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01), lập danh sách gửi về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHCVTTXH) để Cục truyền dữ liệu về cho địa phương.
3. Thủ tục cấp CCCD
à Người dân nếu đã kê khai đầy đủ thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi cấp CCCD không mang theo bất cứ loại giấy tờ nào. Tuy nhiên, người dân có thể mang theo CMND, sổ hộ khẩu để đối chiếu, kiểm tra tính chính xác thông tin của mình.
à Đối với trường hợp người dân chưa kê khai thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc đã kê khai nhưng chưa đầy đủ, chính xác các trường thông tin như thiếu ngày, tháng sinh; sai chính tả tên họ của bản thân, cha, mẹ, vợ con hoặc có sự thay đổi các thông tin như lúc kê khai chưa kết hôn, nay đã kết hôn thì khi cấp CCCD cần mang các giấy tờ pháp lý để chứng minh.
4. Trình tự cấp CCCD
Người dân đến lấy số thứ tự, chờ cơ quan công an gọi đến số của mình để vào cung cấp các trường thông tin như: Họ, tên, số CMND… để cán bộ tiếp nhận đăng nhập vào máy thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
Nếu thông tin người dân cung cấp trùng khớp với dữ liệu thì chờ gọi tên, chụp ảnh, lăn tay.
Nếu thông tin người dân cung cấp không trùng khớp với dữ liệu hoặc chưa có thông tin, thông tin chưa đầy đủ, chính xác trong dữ liệu thì người dân kê khai thông tin vào DC01, bổ sung các giấy tờ có liên quan để kê thai thông tin vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa, thông tin dân cư (DC02), chờ gọi tên, chụp ảnh, lăn tay.
Tiếp theo người dân được chụp ảnh, thu vân tay 10 ngón, sau đó rà soát, kiểm tra thông tin và ký xác nhận vào Phiếu thu thập thông tin CCCD (CC02), DC01, DC02 nếu có, nhận giấy hẹn ra về.
5. Thời gian, địa điểm tổ chức cấp CCCD
Từ ngày 15-3-2021 đến 30-6-2021, thời gian tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD là từ 5 giờ đến 23 giờ tất cả các ngày trong tuần (sau 23 giờ nếu người dân có nhu cầu thì cơ quan công an vẫn tiếp tục thu nhận hồ sơ). Địa điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD là trụ sở Công an tỉnh, nơi làm CMND cũ, số 404, Đồng Văn Cống, Phường 7, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre và các điểm cấp CCCD cố định ở các huyện, thành phố cùng tất cả các điểm cấp lưu động trên toàn tỉnh.
Sau ngày 1-7-2021, tùy tình hình thực tế, cơ quan công an sẽ quyết định thời gian, địa điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho phù hợp với số lượng người trong diện cấp CCCD ở địa phương mình.
6. Trả thẻ CCCD hoàn chỉnh cho công dân
Sau khi hoàn chỉnh, in thẻ CCCD, Cục CSQLHCVTTXH tiến hành trả thẻ CCCD về công an cấp huyện và Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH theo đường Bưu điện.
Sau khi nhận được thẻ CCCD do Cục CSQLHCVTTXH trả về, cơ quan công an cấp huyện, Phòng CSQLHCVTTXH trả thẻ cho công dân tại trụ sở cơ quan công an theo giấy hẹn hoặc phối hợp với Bưu điện trả cho công dân theo đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu của công dân.
Tại thành phố, thị xã không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.
Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn đồng loạt cấp CCCD nên giấy hẹn không ghi ngày cụ thể nhận thẻ CCCD, khi có thẻ CCCD cơ quan công an sẽ điện thoại trực tiếp cho người dân đến nhận hoặc chuyển cho Bưu điện để chuyển cho những người đăng ký chuyển qua đường Bưu điện.
7. Lệ phí cấp CCCD và các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí
Công dân chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ.
Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ.
Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ.
Theo Thông tư số 112/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 30-6-2021, lệ phí CCCD đối với các trường hợp nêu trên giảm 50%.
Các trường hợp miễn lệ phí: Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước thay đổi địa giới hành chính. Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc hộ nghèo. Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa làm CMND, CCCD mã vạch. Đổi thẻ CCCD khi hết hạn sử dụng (đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi). Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi cơ quan quản lý CCCD.
8. Sự thuận lợi của người dân trong việc nhận thẻ CCCD qua đường Bưu điện
Chi phí hợp lý; thời gian nhanh và độ an toàn, bảo mật cao.
Người dân không phải đến chờ nhận CCCD, nhân viên Bưu điện phát CCCD tận địa chỉ người dân muốn nhận.
Công an tỉnh Bến Tre