Chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

03/06/2019 - 07:00

BDK - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm cho cảm em thiếu nhi. Bác từng ví trẻ em như “búp trên cành” - búp trên cành tươi non, nhỏ nhoi và cần được chăm sóc. Đảng và Nhà nước luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí… nhằm chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước được phát triển toàn diện.

Trẻ em cần được sự chăm sóc, bảo vệ từ gia đình và xã hội.

Trẻ em cần được sự chăm sóc, bảo vệ từ gia đình và xã hội.

Chăm sóc, giáo dục trẻ em

Việc chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã trở thành một phong trào xã hội rộng lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cho trẻ em có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Toàn tỉnh hiện có trên 227,3 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 18% so với tổng dân số. Trong đó, trên 38 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em con gia đình hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 16,7%. Hiện có trên 113 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc-xin. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học được giữ vững.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 - 2018, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có giảm, hơn 2.000 trẻ. 1.523 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ cấp xã hội hàng tháng ngoài cộng đồng. Trong đó, nhiều trẻ đang sống trong 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập (đang nuôi dưỡng tập trung 422 em) và 4 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do tôn giáo quản lý, đang nuôi dưỡng 180 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đoàn thể đã thực hiện công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em con gia đình hộ nghèo, cận nghèo thông qua các chương trình học bổng, học phẩm, phẫu thuật tim, phẫu thuật dị tật vận động… tạo điều kiện cho các em vượt qua khó khăn hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh từ ngày thành lập đến nay (15 năm) đã giúp hơn 1.000 người phẫu thuật tim miễn phí, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ 67%. Hỗ trợ hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi, khuyết tật. Tổng giá trị các chương trình khoảng 623 tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 40 tỷ đồng.

Chung tay bảo vệ trẻ em

Hiện nay, trẻ em có điều kiện tiếp cận thông tin và tri thức vô tận, nhưng mặt trái là các em dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh. Tình trạng học sinh bỏ học do lười học, mất căn bản, do gia đình, người thân thiếu sự quản lý chặt chẽ vẫn còn xảy ra. Sự an toàn của trẻ, nạn xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân do các ngành, các cấp chỉ tập trung thực hiện vận động các nguồn lực để hỗ trợ chăm lo cho trẻ em nhưng chưa chú trọng vào lĩnh vực phòng ngừa để bảo vệ trẻ em. Công tác triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em cấp cơ sở có thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên. Trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng do một bộ phận phụ huynh chưa quản lý trông coi tốt các em. Việc giáo dục giới tính hay những vấn đề có liên quan đến phát triển tâm sinh lý của trẻ chưa được quan tâm.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận định, sự phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp, mối quan hệ vợ chồng có nguy cơ bị phá vỡ do thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau đã dẫn đến môi trường thuận lợi cho tệ nạn xã hội rình rập, có cơ hội xâm nhập vào gia đình. Từ đó, khiến trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Để tránh rơi vào các trường hợp trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đưa ra giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ về vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, kết hợp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật. Đồng thời, tỉnh duy trì phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em kết nối với các dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý. Qua đó, nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về bạo lực xâm hại trẻ em. Phối hợp xử lý thông tin kịp thời giữa địa phương với Tổng đài 111 trong việc xác minh hỗ trợ can thiệp các vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em và người thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Trẻ em như búp trên cành, búp non là phần dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là phần sáng đẹp nhất, giàu sức sống nhất. Để những chồi non đất nước lớn lên, phát triển toàn diện và hữu ích, đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội cần chung tay chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo. Trong đó, trên hết là trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình đối với trẻ, kế đến là nhà trường và cộng đồng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2018, trên 55 ngàn trẻ em từ 6 - 15 tuổi được phổ cập bơi, chiếm tỷ lệ 33%. Sở phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ từ 40% trở lên. Toàn tỉnh hiện có 41 điểm vui chơi giải trí công lập dành cho trẻ em. Song song các hoạt động vui chơi cho trẻ em, các ngành, các cấp còn vận động học bổng, học phẩm, xây dựng Mái ấm tình thương cho trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi của tỉnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích