Chắp cánh cho phụ nữ khởi nghiệp

02/11/2018 - 08:05

BDK - Khởi nghiệp, phát triển kinh doanh là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự tạo việc làm bền vững, phát triển kinh tế.

Chị Ngô Song Đào giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp “nhang sinh học Thiên Phúc”.

Chị Ngô Song Đào giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp “nhang sinh học Thiên Phúc”.

Vượt qua khó khăn

Hầu hết trở ngại của phụ nữ khởi nghiệp tại Bến Tre là thiếu vốn kiến thức khởi nghiệp, hiện những lớp học tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh mở liên tục vào thứ bảy và chủ nhật giúp phụ nữ cập nhật rất nhiều thông tin bổ ích. Kế đến là kênh bán hàng, đa số phụ nữ chỉ bán hàng tại chỗ, quanh khu vực mình sinh sống và bán online.

Chị Ngô Song Đào (ở huyện Mỏ Cày Nam) vừa là giáo viên, vừa là phụ nữ khởi nghiệp khá có tiếng tại Bến Tre, sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc của chị được người tiêu dùng ưa chuộng. Song Đào cũng vừa đoạt giải nhất hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức. “Có những buổi tối, những ngày cuối tuần dành để gia đình sum họp, quây quần nhưng giờ đó tôi còn tất tả ngoài đường bán hàng. Khởi nghiệp đối với phụ nữ thì nhiều khó khăn và ngày mai có thể còn tồi tệ hơn nữa. Nhưng vì con cái và nhiều chị em phụ nữ đang làm với mình, tôi không bỏ cuộc”, chị Ngô Song Đào nói với chúng tôi.

Để sản xuất ra nhang sinh học từ lá quao, Đào đã nhận 8 phụ nữ ở xóm mình sản xuất nhang, cùng 40 hộ gia đình hái lá quao bán cho chị. Song Đào chào hàng nhang sinh học vừa tròn một năm trên thị trường. Chị cho biết, bản thân sẵn sàng bằng lòng với việc lời ít hoặc huề vốn để giúp chị em xung quanh mình có thu nhập và sẽ bỏ ra 4 năm để thực hiện ước mơ mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm vươn xa, thay đổi kế hoạch lợi nhuận.

Đồng hành cùng phụ nữ

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội thi như “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2018, “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp” nhằm mang lại cơ hội nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp. Qua đó, giúp chị em phụ nữ phát triển kinh doanh, thay đổi nhận thức, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Trên cơ sở những ý tưởng khởi nghiệp của chị em, các cấp hội phụ nữ sẽ có những chương trình hỗ trợ nhằm giúp chị em hiện thực hóa các mô hình kinh tế, ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ, góp phần hỗ trợ phụ nữ trong công tác giảm nghèo, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, hội cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Hội LHPN Việt Nam (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đề án khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc phát triển quy mô, loại hình sở hữu thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao.

Để khởi nghiệp thành công, phụ nữ phải dấn thân, đam mê khởi nghiệp, bên cạnh đó cần có sự lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các đề án, chương trình có liên quan. Đồng hành cùng phụ nữ Bến Tre khởi nghiệp còn có một số đơn vị, tổ chức hỗ trợ vốn vay. Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh giới thiệu một số nguồn vốn trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đang hỗ trợ phụ nữ tỉnh nhà khởi nghiệp như: Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (của tỉnh), quỹ hỗ trợ của các tổ chức NGO gồm Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam, Quỹ Unilever. Bên cạnh đó, các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bưu điện Liên Việt cũng đã triển khai cho vay vốn đối với chị em đang tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động trong cả nước. Hơn 60% trong tổng số hơn 4 triệu hộ kinh tế gia đình ở nông thôn, 28% trong tổng số doanh nghiệp đang được điều hành và quản lý bởi phụ nữ. Theo số liệu từ Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ rất hạn chế. Để bắt đầu khởi nghiệp, ngoài việc vượt qua sự thiếu tự tin, an phận, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như định kiến giới, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN