Sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc.
Đưa sản phẩm vào thị trường
Trên thị trường hiện nay có một số loại nhang tẩm hóa chất độc hại thường dễ nhận biết bằng các giác quan như mùi sực nức, cảm giác cay mắt, khó chịu. Nguyên nhân là trong nhang có nhiều chất độc hại như axit Photphoric (H3PO4), Kalinitrat (KNO3), Canxicacbonat (CaCO3). Khi đốt, phát thải các loại khí độc như CO, NO2, SO2…
Từ năm 2016, trên cơ sở giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng lá cây quao nước trong sản xuất nhang xua muỗi” được cô Ngô Song Đào - giáo viên Sinh học Trường THCS Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) hướng dẫn đã đạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và năm 2017 đạt giải khuyến khích vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp - nông nghiệp cấp quốc gia lần 3 - 2017 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, Công ty TNHH sản xuất thương mại Sản phẩm sạch Thiên Phúc đã không ngừng nghiên cứu thực nghiệm và làm chủ công nghệ sản xuất nhang sinh học dùng để thờ cúng tổ tiên, xua muỗi. Công ty đã từng bước hoàn thiện công thức phối trộn hợp lý, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường.
Lá cây quao nước là nguyên liệu chính của sản phẩm “Nhang sinh học”, ngoài ra còn có bổ sung các nguyên liệu như vỏ cây bời lời, vỏ quýt, vỏ bưởi, cây đinh lăng, đinh hương, oải hương, bột quế… Đây là nguồn nguyên liệu trong tự nhiên, dễ tìm tại địa phương. Kết quả thử nghiệm sản phẩm và nguồn phát thải của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh không phát hiện axit Photphoric (H3PO4), Benzene, các loại khí CO, NO2 và SO2. Trên cơ sở đó và được hướng dẫn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, công ty đã công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm “Nhang sinh học” Thiên Phúc. Sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc đưa vào thị trường vào cuối năm 2017, được người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ khá mạnh.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Với kết quả ươm tạo và làm chủ công nghệ, Công ty TNHH sản xuất thương mại Sản phẩm sạch Thiên Phúc được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp khoa học và công nghệ”. Hiện nay, công ty đã có hệ thống mạng lưới 70 đại lý ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian tới, công ty dự kiến mở rộng quy mô sản xuất và kênh phân phối sản phẩm đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Theo cô Ngô Song Đào - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Sản phẩm sạch Thiên Phúc, kết quả trong 4 tháng đầu năm 2018, công ty đạt doanh thu 250 triệu đồng từ nhang sinh học. Dự báo doanh thu năm 2018 đạt trên 1 tỷ đồng và mỗi năm tăng từ 15 - 20%. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, bao bì, đồng thời nghiên cứu một số sản phẩm đi kèm như bật lửa bíc thân thiện, đế đốt nhang từ dừa... Dự kiến trong 3 năm đầu tiên là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, công ty tập trung hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm nhang sinh học dạng cây và xoắn ốc; các năm tiếp theo sẽ đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất nhang muỗi dạng xoắn ốc đa tầng, nhang xoắn ốc chùm (treo).
Điều đặc biệt là dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đó là đã khai thác, tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại địa phương, đồng thời khuyến khích người dân trồng xen cây quao nước dọc theo các bờ kênh, mương để chống xói lở và tăng thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu (300 ngàn đồng/tháng/1.000m2 đất trồng cây lâu năm). Tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động, giải quyết lao động nhàn rỗi cho người già, phụ nữ, trẻ em. Do sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không phát thải các loại khí độc hại khi đốt, từ đó làm giảm bệnh tật đồng nghĩa với việc giảm đáng kể chi phí chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, dự án còn góp phần làm giảm thiểu đáng kể tác động đến môi trường sống của mỗi gia đình, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm “an toàn” để bảo vệ sức khỏe.
Huỳnh Cao Thọ (Sở Khoa học và Công nghệ)