 |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập (giữa) cùng đoàn chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản tham quan mô hình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn PGS. |
Ngày 8-3-3017, nhiều chuyên gia nông nghiệp hữu cơ đến từ Nhật Bản đã chia sẻ “bí quyết” thành công của nông dân nước này tại hội nghị phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển cộng đồng tại tỉnh Bến Tre.
Hội nghị
do Tổ chức Seed to table (Nhật Bản), hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho nông dân tại
Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tổ chức. Đại diện lãnh đạo
một số đơn vị, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều sở, ngành tỉnh, các huyện
Ba Tri, Bình Đại, TP. Bến Tre đến dự.
Seed to table với đại diện là bà Ino Mayu đang thực hiện
dự án “Cải thiện sinh kế của nông dân quy mô nhỏ thông qua tiếp cận tốt hơn với
thị trường và áp dụng công nghệ hữu cơ” tại huyện Bình Đại, Ba Tri. Sau hơn 3
năm tham gia dự án, rau của nhiều nông dân trong các nhóm, liên nhóm ở các xã
An Hòa Tây, thị trấn Ba Tri (Ba Tri), xã Lộc Thuận (Bình Đại) đã được chứng nhận
quy trình PGS (hệ thống cấp chứng nhận có sự tham gia theo tiêu chuẩn kỹ thuật
cao). Hiện nay, dự án đang tiếp tục mở rộng về diện tích canh tác; chuẩn bị phối
hợp với một số trường học để xây dựng vườn rau an toàn tại trường; dùng dừa,
chuối hữu cơ để chế biến sản phẩm bán ra thị trường…
Trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn PGS của Tổ chức Seed to table giúp nông dân tham gia ở Bình Đại, Ba Tri tăng thu nhập hơn 40% trong cùng diện tích.
Tại hội nghị, Giáo sư Fukui Takashi của Đại học Nông nghiệp
và Công nghệ Tokyo cho biết, thị trường rau, củ, quả tại Nhật Bản từ lâu chỉ
còn chấp nhận sản phẩm hữu cơ (Organic). Nhưng sản phẩm chỉ đạt chuẩn hữu cơ
thôi thì… không bán được, phải kết hợp với xây dựng thành công thương hiệu cho
sản phẩm đặc sản địa phương mới có thể tồn tại trên thị trường. “Khi bán ra thị
trường, sản phẩm an toàn, ngon là đương nhiên, nhưng giá trị mà bạn nhận được từ
thương hiệu chắc chắn mới là điều hấp dẫn. Thương hiệu nổi tiếng phải có chỉ dẫn
địa lý rõ ràng, thuộc tính sản phẩm, điều kiện khí hậu sản xuất nguyên liệu,
văn hóa…” - Giáo sư Fukui Takashi chia sẻ.
“Lúc đầu, khi bà con xã Yoshida thành lập Công ty Yoshida
Furasato Mura làm bánh từ nguyên liệu gạo, nếp hữu cơ tại địa phương và chỉ làm
bằng tay, không dùng hóa chất nhưng không bán được. Nhưng trong vòng 10 năm,
nhân viên công ty mang sản phẩm tiếp thị ở các cửa hàng và làm món bánh tại những
điểm du lịch để giới thiệu thêm về nguyên liệu, doanh số của công ty đã tăng rất
nhanh. Khi thành công rồi, nhân viên Yoshida đã nghĩ cách chế biến từ nguyên liệu
gạo, nếp ra loại xì dầu (nước tương) chuyên dùng cho cơm trứng tươi đặc sản được
người tiêu dùng đón nhận. Như thế, bà con xã Yoshida đã bán sản phẩm ra thị trường
thành công. Mỗi năm, công ty này thu được trên 4 tỷ yen từ bán các sản phẩm” -
Giáo sư Fukui Takashi lấy ví dụ sinh động về ý chí và sự sáng tạo trong sản xuất,
kinh doanh của nông dân tại một xã ở Nhật Bản. Qua đây, Giáo sư Fukui Takashi
cũng cho rằng, Bến Tre có lợi thế đặc trưng là cây dừa, nếu đầu tư nghiên cứu
thêm thì hoàn toàn có thể tạo ra sự đột phá. Tuy nhiên, điều quan trọng mà nông
dân cần làm trước mắt là chuyển sang canh tác dừa hữu cơ.
Theo Giáo sư Fukui Takashi, để xây dựng thương hiệu vùng
nguyên liệu, nông dân ở những làng, phường tại Nhật Bản, thường ngồi lại với
nhau bàn bạc, thống nhất trồng chuyên canh cây gì sẽ có tiềm năng, hiệu quả nhất.
Nhưng nông sản đặc trưng có truyền thống luôn được ưu tiên chọn. Họ luôn nhận
được những sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương như: hỗ trợ kỹ thuật
canh tác, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhà xưởng, cửa hàng, thuê lao động theo
các chính sách của chính phủ. Tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể địa phương luôn
sẵn sàng kết nạp thêm thành viên mới là tổ chức, doanh nghiệp nếu thỏa mãn các
yêu cầu quyền và quyền nhãn hiệu sẽ được chính phủ bảo vệ bằng pháp luật rất
nghiêm.
Giáo sư Fukui Takashi và các chuyên gia khác đến từ Nhật
Bản đều đánh giá cao mô hình hỗ trợ nhân đạo cho nông dân trồng rau ở Ba Tri,
Bình Đại, cũng như những kế hoạch tiếp theo của dự án. Kỳ vọng sự kiên trì với
nông dân nghèo của bà Ino Mayu, cùng với cách làm hợp lý sẽ giúp một bộ phận
nông dân nghèo Bến Tre thoát nghèo bền vững.