Chiếc khăn rằn đi cùng lịch sử

03/01/2020 - 08:05

BDK - Hình ảnh chiếc khăn rằn đã đi cùng với chiều dài truyền thống văn hóa, đi cùng với những thời khắc lịch sử. Đặc biệt, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân, quân Bến Tre. Chiếc khăn ấy vẫn tiếp tục có sức sống bền bỉ, hiện diện trong đời sống mới hôm nay như một sự tiếp nối nhiều ý nghĩa.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các cô trong “Đội quân tóc dài” năm xưa.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các cô trong “Đội quân tóc dài” năm xưa.

Gắn liền với quê hương

Hình ảnh chiếc khăn rằn đã có từ lâu đời. Có mặt ở nhiều nơi trong khu vực Tây Nam Bộ. Khăn rằn được ông bà xưa sử dụng phổ biến trong đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Chiếc khăn rằn mộc mạc, luôn gần gũi với người dân lao động thật thà, chất phát và cần cù, chịu khó. Qua thời gian, chiếc khăn rằn đã trở thành nét đẹp văn hóa trong trang phục của người dân miền sông nước.

Với Bến Tre, chiếc khăn rằn có những nét rất riêng. Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương, chiếc khăn rằn của người dân Bến Tre hòa trong nét đẹp văn hóa chung của khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, thoạt nhìn, hình dáng những chiếc khăn rằn có vẻ như giống nhau nhưng thực tế thì có đặc điểm khác nhau theo từng vùng. Cụ thể, khăn rằn đồng bào dân tộc Khmer thì có màu sẫm vàng như màu da bò. Khăn rằn của các khu vực thì cũng trắng đen nhưng lằn sọc nhỏ. Còn riêng khăn của Bến Tre, có nét khác biệt là lằn kẻ sọc to hơn và chỉ có sọc trắng và đen. 

“Tuy chiếc khăn rằn không phải là đặc thù nét riêng của Bến Tre nhưng hình ảnh để lại đậm nét trong lòng mọi người ở khắp nơi là hình ảnh cô Ba Định gắn liền với trang phục áo bà ba và chiếc khăn rằn quàng cổ. Từ hình ảnh ấy của cô Ba đã khắc sâu vào tâm tưởng nhiều người cả trong và ngoài nước. Nên khi nhìn thấy ở đâu có hình ảnh chiếc khăn rằn, người ta lại nhớ ngay đến cô Ba Định - Nữ tướng tài ba quê ở Bến Tre. Cũng từ đó, hễ thấy khăn rằn, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh của quê hương Bến Tre”, ông Bùi Văn Chương nhận định.

Hình ảnh ngọn đuốc lá dừa, tiếng mõ tre liên hồi cùng bước chân “đi như nước lũ tràn về” của “Đội quân tóc dài” Bến Tre với áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ cùng khí thế kháng chiến rực lửa đã đi vào lịch sử.

Trong quyển Địa chí Bến Tre đã có ghi lại: Trong những năm chống Mỹ sôi sục, hình ảnh “Đội quân tóc dài” với áo bà ba và chiếc khăn rằn Nam Bộ đã chiếm nhiều chỗ trang trọng nhất trên các trang báo ngoại quốc với những lời ca ngợi nồng nhiệt đầy chất huyền thoại.

Có một sự kiện cũng cần nhắc lại, đó là đầu tháng 5-1969, nhân dịp đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã gửi tặng Bác Hồ một chiếc khăn rằn mừng sinh nhật lần thứ 79 của Người. Chiếc khăn có dòng chữ thêu bằng chỉ xanh, đỏ: “Kính tặng Bác Hồ 19-5-1969 - cháu Ng. Th. Định”. Nhận được quà, Bác ướm thử khăn vào cổ và nói: “Phụ nữ thường hiếu thảo và tình nghĩa thế đó”. Chiếc khăn rằn ấy hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tại Bến Tre, trong di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định còn lưu giữ và trưng bày giới thiệu về chiếc khăn rằn của Nữ tướng cùng các trang phục áo bà ba trong quá trình bà tham gia hoạt động cách mạng.

Đi vào đời sống

Tại Lễ hội Dừa lần thứ V (tháng 11-2019), lần đầu tiên tỉnh tổ chức Ngày hội áo bà ba nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa của chiếc áo bà ba vùng sông nước Nam Bộ. Đi cùng với trang phục áo bà ba, một phụ kiện không thể thiếu chiếc khăn rằn quàng cổ. Qua đó, tôn vinh hình ảnh đẹp, hiền hòa của người dân Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng.

Do đâu chiếc khăn rằn lại có sức sống mạnh mẽ như thế? Đầu tiên, là công dụng đa năng của chiếc khăn ấy. Với hình dáng mộc mạc cùng những đường kẻ sọc dọc và ngang tạo nên những ô vuông nhỏ khá đơn giản nhưng có rất nhiều công dụng như: quàng trên đầu để che nắng, che sương, hoặc quấn ngang trán để thấm mồ hôi khi lao động; hoặc dùng “biến tấu” thành giỏ xách đựng đồ như hình dáng một tay nải, hoặc đơn giản là phụ kiện làm đẹp đi cùng với trang phục áo bà ba. Ngày nay, dù chiếc rằn đã có nhiều cải tiến về chất liệu vải, kích cỡ và công dụng nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên được hình dáng kẻ sọc đen trắng như ngày trước.

 Chiếc khăn rằn ở Bến Tre đã được nâng lên thành biểu tượng văn hóa, được sử dụng hầu hết trên các lĩnh vực, trong sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, trong hoạt động du lịch, trong giao lưu văn hóa, trong hoạt động biểu diễn thời trang đi cùng với áo bà ba. Đặc biệt, trong các sự kiện kỷ niệm ngày lịch sử quê hương như Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1.

Không chỉ xuất hiện trong các sự kiện, trong các hoạt động mà ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng đã sử dụng chiếc khăn rằn vào thời trang trong sinh hoạt thường ngày của mình và trong các hoạt động giao lưu như một “thương hiệu Bến Tre”, vừa đẹp lại vừa mang khí chất của quê hương Đồng Khởi.

Chiếc khăn rằn mộc mạc như bản chất của người Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng, luôn thủy chung son sắt với quê hương qua bao năm tháng, cùng quân, dân Bến Tre chia ngọt sẻ bùi, cùng nếm trải trong suốt chặng đường kháng chiến, bảo vệ và xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN