Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

30/10/2023 - 16:08

BDK.VN - Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên biển.

Khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên biển.

Với mục tiêu cụ thể, đưa tỉnh Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch. Từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo môi trường biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển. Xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị các địa phương ven biển vững mạnh, đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển. Tập trung nghiên cứu và đề xuất các nội dung có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển vào quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển.

Tài nguyên biển được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển tỉnh. Mục tiêu phát triển kinh tế biển tỉnh đến năm 2030 trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển mạnh, tạo đột phá một số ngành kinh tế biển, theo thứ tự ưu tiên: Năng lượng tái tạo. Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển du lịch biển. Phát triển công nghiệp, đô thị ven biển. Phát triển thương mại dịch vụ.

Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu  quả. Đến năm 2030, vùng ven biển có 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển. Phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần phát triển  bền vững kinh tế biển của tỉnh. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển.

Tầm nhìn đến năm 2050: Tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, đưa Bến Tre trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu nằm trong nhóm khá các tỉnh ven biển của Việt Nam. Phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, đa dạng sinh học biển, bảo vệ môi trường biển. Đời sống người dân vùng ven biển được nâng cao, xây dựng văn hóa biển cho người dân vùng ven biển. Hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, khu đô thị ven biển, khu lấn biển, cảng biển. Đẩy mạnh phát triển nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản.

Định hướng, nhiệm vụ kế hoạch đến năm 2030: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Bảo vệ môi trường biển. Bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển. Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Điều tra cơ bản biển. Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Các giải pháp chủ yếu kèm theo kế hoạch này là: Hoàn  thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Phát triển khoa học, công nghệ. Chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển. Xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN