BDK.VN - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 là một trong những nội dung lập pháp mà Chính phủ đề xuất Quốc hội thực hiện tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012.
Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, vì vậy hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.
Mặt khác, trước các cơ hội và thách thức đan xen của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng.
Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế.
Theo đó, Luật Quảng cáo năm 2012 ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.
Luật Quảng cáo năm 2012 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do. Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể: một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Vì vậy, theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 góp phần bảo đảm yêu cầu đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan là yêu cầu cấp thiết phải thực hiện trong giai đoạn tới.
Kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Dự án Luật gồm 3 điều, bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, cụ thể như sau:
Đối với Chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”, Dự án Luật sửa đổi 4 điều của Luật Quảng cáo năm 2012, bổ sung 2 điều và 1 khoản.
Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2 để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay.
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, phân bón để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.
Bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bổ sung Điều 19a quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Bổ sung khoản 1a vào Điều 18 quy định về việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo.
Đối với Chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, Dự án Luật sửa đổi 3 điều của Luật Quảng cáo năm 2012, bổ sung 1 khoản.
Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in tại Điều 21. Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình (Điều 22). Sửa đổi, bổ sung Điều 23, hiện nay Điều 23 Luật Quảng cáo hiện hành chỉ đề cập đến quy định quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, thiếu các quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác và cũng như chưa có quy định về quảng cáo trên mạng xã hội, trong khi đó, hoạt động quảng cáo này rất phổ biến và xuất hiện nhiều vi phạm trong thời gian qua.
Vì vậy, việc quy định chung về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng là rẩt cần thiết. Bổ sung khoản 15 vào Điều 2 của Luật Quảng cáo hiện hành về định nghĩa hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Đối với Chính sách 3 “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”, Dự án Luật sửa đổi 8 điều của Luật Quảng cáo, bổ sung 1 khoản, thể hiện ở 3 nội dung: về việc cắt, giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động quảng cáo ngoài trời; phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; sửa đổi các quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV thì Luật Hóa chất sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 9 (kỳ họp giữa năm 2025).