Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất

09/11/2024 - 11:46

BDK.VN - Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2008, là sự thể chế hoá và cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức, thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra Luật Hóa chất (sửa đổi).

Nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể, Luật Hóa chất được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện kinh tế cụ thể của ngành hóa chất Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triền chung của quản lý hóa chất trên thế giới.

Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch. Việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật.

Như vậy, Luật Hóa chất đã có 16 năm thi hành ổn định, có thể nói là một trong những Luật chuyên ngành có thời gian thi hành ổn định lâu nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau đây:

Luật Hóa chất hiện nay chưa quy định rõ ràng và chính xác phạm vi và đối tượng áp dụng các hoạt động quản lý, cụ thể như: chưa phân định được hóa chất và các sản phẩm hàng hóa chứa hóa chất; chưa phân định cụ thể hoạt động sản xuất hóa chất và các hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; khái niệm về hóa chất độc chưa phù hợp thực tế.

Luật Hóa chất chỉ điều chỉnh với các hóa chất cơ bản, tuy nhiên, theo phân ngành công nghiệp, công nghiệp hóa chất gồm 10 lĩnh vực: Phân bón, hóa chất cơ bản, hóa dược, hóa dầu, các sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp, nguồn điện hóa học (pin, ắc quy), hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm chất tẩy rửa, hoá chất tiêu dùng. Do đó, “dự án hóa chất” trong công tác phát triển công nghiệp hóa chất cần được quy định cụ thể hơn.

Các quy định về hoạt động sử dụng hóa chất hiện nay chưa tương xứng với mức độ rủi ro khi so sánh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất. Các doanh nghiệp sử dụng hóa chất hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, có những đơn vị sử dụng hóa chất với lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, thực tế đã có nhiều sự cố hóa chất xảy ra tại các cơ sở sử dụng hóa chất.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân sử dụng hoá chất ít bị ràng buộc, điều chỉnh bởi quy định pháp luật về hoá chất, nên mức độ quan tâm và hiểu biết quy định về quản lý hóa chất chưa cao, chưa đáp ứng được mục tiêu quản lý hoá chất. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích (hóa chất công nghiệp nhưng sử dụng trong chế biến thực phẩm; tiền chất công nghiệp có nguy cơ sử dụng trong pha chế chất ma túy trái quv định, hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và thực phẩm bị lạm dụng trong vui chơi giải trí...) gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay có nhiều sản phẩm như sơn, mực in và keo dán, chất tẩy rửa... do trong thành phần có chứa hóa chất nguy hiểm nhưng người tiêu dùng chưa được cung cấp thông tin về các thành phần nguy hiểm hoặc thông tin còn chung chung do chưa có quy định, chưa có cảnh báo nguy hiểm về nguy cơ cháy nổ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đối với người tiếp xúc.

Trong khi đó, những hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm như trên hiện chưa được điều chỉnh trong Luật Hóa chất và cũng chưa được điều chỉnh trong các văn bản chuyên ngành khác.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007.

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định những nội dung về: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Áp dụng pháp luật (Điều 3); Giải thích từ ngừ (Điều 4); Nguyên tắc hoạt động hóa chất (Điều 5); Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6); Các hành vi bị cấm (Điều 7); Thực hiện điều ước quốc tế về quản lý hóa chất (Điều 8).

Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 06 điều (từ Điều 9 đến Điều 14). Chương này quy định những nội dung về: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 9, 10); dự án hóa chất (Điều 11); Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 12); Hoạt dộng tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 13, 14).

Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, 30 Điều (từ Điều 15 đến Điều 44). Chương này quy định những nội dung về: Quy định chung đối với hoạt động hóa chất (từ Điều 15 đến Điều 22); Hóa chất có điều kiện (từ Điều 23 đến Điều 29); Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt (từ Điều 30 đến Điều 37); Hóa chất cấm (từ Điều 38 đến Điều 44).

Chương IV. Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều (từ Điều 45 đến Điều 55). Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới; thông tin về hóa chất; phân loại, ghi nhận và bao gói hóa chất; Phiếu an toàn hóa chất; Bảo mật thông tin; Cơ sở dữ liệu hóa chất; Quảng cáo hóa chất.

Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, gồm 3 Điều (từ Điều 56 đến Điều 58). Chương này bổ sung quy định những nội dung về: quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa (Điều 56), Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất (Điều 57), công bố thông tin về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa (Điều 58).

Chương VI. An toàn hóa chất, gồm 13 Điều (từ Điều 59 đến Điều 71). Chương nàv quy định những nội dung về: Yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất (từ Điều 59 đến Điều 62) và Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (từ Điều 63 đến Điều 71).

Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 72 đến Điều 76). Chương này kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng. Bãi bỏ quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động hóa chất do đã được quy định trong pháp luật về bảo hiểm.

Chương VIII. Quản lý nhà nước về hóa chất, gồm 10 Điều (từ Điều 77 đến Điều 86). Chương này quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất, trách nhiệm của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (Điều 87 đến Điều 89). Chương này quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến lĩnh vực hóa chất (Điều 87), về hiệu lực thi hành (Điều 88) và Điều khoản chuyển tiếp (Điều 89).

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV thì Luật Hóa chất sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 9 (kỳ họp giữa năm 2025).

                                                                             Ý Nhiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN