Điểm du lịch Rooster Mekong, xã Long Thới, huyện Chợ Lách đầu tư xe điện phục vụ du khách.
Lợi thế của du lịch cộng đồng
Thời gian qua, phát triển DL ở Chợ Lách được chính quyền quan tâm, nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL, truyền thông quảng bá hình ảnh DL. Với nghề làm cây giống, hoa kiểng quy mô lớn và thiên nhiên trong lành, Chợ Lách có tiềm năng thuận lợi và rõ nét để phát triển DL cộng đồng, DL sinh thái.
Huyện ưu tiên phát triển các loại hình DL cộng đồng, DL nông nghiệp nông thôn. Trong đó, Đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách sẽ là điểm nhấn quan trọng cho DL xứ sở cây giống, hoa kiểng. Huyện cũng phát triển loại hình DL văn hóa tâm linh tại xã có tiềm năng như: Vĩnh Thành, Long Thới. Ngoài ra, DL làng nghề ở Chợ Lách cũng thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đến nay, trên địa bàn huyện phát triển được 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống - hoa kiểng, với trên 5.700 hộ tham gia.
Lượng du khách quan tâm đến với làng nghề ngày càng tăng. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ tham quan quá trình làm ra một sản phẩm cây giống, hoa kiểng mà còn được nhà vườn và nghệ nhân hướng dẫn tham gia thực hiện các công đoạn chiết cây, ghép cành, uốn sửa tạo dáng kiểng, bonsai, tự tay tạo ra tác phẩm nghệ thuật hoa kiểng làm quà lưu niệm dành tặng cho người thân và bạn bè. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho người dân, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.
Huyện được giao triển khai đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách trên địa bàn các xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Phú Sơn và Long Thới. Tuy nhiên đến nay, quá trình triển khai còn chậm và vướng nhiều khó khăn do không được phân bổ kinh phí. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, trình tự thủ tục đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đến các điểm DL trên địa bàn huyện còn khó khăn. Việc chậm tiến độ trong đầu tư các đề án, công trình hạ tầng giao thông cũng khiến cho người dân địa phương, doanh nghiệp có tâm lý e dè, chưa mạnh dạn đầu tư làm DL.
Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ cơ sở cây giống Vĩnh Phúc, ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành, là một trong các hộ dân ở khu vực quy hoạch Làng Văn hóa DL có mong muốn làm DL. Từ lâu, anh Phúc đã ấp ủ ý định làm DL tại gia đình mình theo hình thức homestay hoặc phát triển vườn cây giống thành một điểm đến cho khách tham quan. Anh Phúc cho biết: “Người dân ở đây cũng muốn làm DL nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Mình cần được hỗ trợ nhiều thứ, nhất là về định hướng du khách cần gì để phục vụ khách. Tôi cũng đã tính khi khách đến điểm của mình thì sẽ tham quan vườn cây giống, trải nghiệm. Ngoài ra, ở nhà tôi có thể làm thêm mứt, nước uống để phục vụ. Nói chung, chúng tôi sẵn sàng tham gia làm DL với địa phương”.
Chủ động các giải pháp
Do những hạn chế từ nguồn kinh phí đầu tư, cũng như vốn phân bổ cho mở rộng các tuyến đường huyện lộ và những vướng mắc trong trình tự thủ tục đất đai, mời gọi nhà đầu tư chiến lược cho khu vực quy hoạch nên đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách bị chậm tiến độ.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức, huyện đã xác định được 3 điểm nhấn cần phải đạt để thúc đẩy phát triển DL. Đó là kêu gọi đầu tư phát triển DL tại khu vực cồn Cái Gà, phối hợp có thể bàn giao đất sạch tại khu vực K26 (lò gạch Phú Sơn) để đầu tư DL. Đồng thời, xin ý kiến UBND tỉnh về việc sử dụng khu vực sân vận động xã Phú Sơn để làm trung tâm dịch vụ cây giống của huyện.
Huyện tập trung phát huy mọi nguồn lực, đồng thời kết hợp với tỉnh, các doanh nghiệp, tranh thủ sự hỗ trợ của các trường tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ DL. Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến phục vụ phát triển DL trên địa bàn huyện đạt trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp tại các điểm DL trên 5 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện đang tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn để chỉnh trang hệ thống hạ tầng tại các ấp trong quy hoạch của Đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách. Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện thuộc địa phận huyện Chợ Lách (đường huyện 34, 35 và 37), với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng. Huyện cũng tìm kiếm, kết nối nhà đầu tư chiến lược để khai thác DL bài bản và có hiệu quả, đúng quy định.
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về DL và nghiệp vụ DL cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ DL, các hộ dân dự định làm DL được quan tâm thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương về phát triển DL và đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách. Tuyên truyền những mặt tích cực, những lợi ích của người dân khi tham gia vào đề án. Vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động phát triển DL...
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là giống cây mới, hoa kiểng độc lạ, sản phẩm trái cây đặc sản, sạch, thân thiện với môi trường gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tham gia không gian mạng trong giao dịch thương mại điện tử nhằm quảng bá, thu hút du khách tiêu thụ cây giống, hoa kiểng, hàng nông sản cũng như đưa các sản phẩm địa phương vào thị trường trong nước và quốc tế.
Xây dựng chuỗi DL cộng đồng để cung ứng cho khách DL trên nền tảng văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, luôn đảm bảo môi trường trong lành cho du khách; không ngừng liên kết với các công ty DL, xây dựng các tour, tuyến DL đường bộ, đường thủy; kết nối các tuyến DL liên vùng, liên tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cù lao Minh - một hành trình 4 điểm đến, các điểm trên địa bàn huyện.
“Đầu tư của Nhà nước chỉ là vốn mồi. Huyện Chợ Lách cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cũng như vận động xã hội hóa đầu tư cho DL. Chợ Lách có nền tảng về DL nhưng cần có tư duy đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của du khách. Huyện cần tạo nét riêng, đặc trưng, có hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng”.
(Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê)
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng