Chợ Lách tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

18/10/2021 - 06:31

BDK - Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (NN) đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành NN. Liên kết, hợp tác trong sản xuất NN là hướng đi tất yếu cho phát triển NN hiện đại, bền vững. Qua 20 năm thực hiện chủ trương về kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên địa bàn huyện Chợ Lách đã có những chuyển biến tích cực.

Tuyên dương các cá nhân tiêu biểu qua 20 năm phát triển kinh tế tập thể tại huyện Chợ Lách.

Tuyên dương các cá nhân tiêu biểu qua 20 năm phát triển kinh tế tập thể tại huyện Chợ Lách.

Những kết quả được ghi nhận

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW cùng với việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, KTTT, HTX của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng và cơ bản thực hiện tốt mục tiêu đổi mới. Các tổ hợp tác (THT), HTX chuyển đổi theo đúng quy định, tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên.

Các mô hình hợp tác sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Chất lượng sản phẩm trái cây như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh được nâng cao phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần đáng kể tăng thu nhập của người dân.

Đến nay, huyện có 163 THT và 13 HTX đang hoạt động theo quy định. Hoạt động của các THT chủ yếu liên kết để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Thành viên các THT hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

13 HTX trên địa bàn huyện chủ yếu thuộc lĩnh vực NN, thủy sản. Có 1 HTX giao thông vận tải. Tổng số vốn hoạt động của các HTX trên 18,4 tỷ đồng. Tổng doanh thu trên 5,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động trong HTX ước đạt 42 triệu đồng/năm. Trong các HTX NN, có 6 HTX hoạt động không hiệu quả. Các HTX đã tổ chức thực hiện được các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu thành viên HTX và cộng đồng dân cư tại địa phương như: cung cấp mắt ghép, dịch vụ kiểm tra cây giống, gắn nhãn hiệu tem cho từng loại cây giống, hỗ trợ các loại giấy tờ có liên quan về cây giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... đã giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế, khó khăn được như: nhận thức về Luật HTX chưa sâu; việc góp vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều HTX còn yếu kém; trình độ quản lý HTX NN còn bất cập so với cơ chế quản lý mới… Trong 13 HTX đã thành lập thì có 6 HTX hoạt động không hiệu quả.

Nâng chất và củng cố hoạt động

KTTT được xác định tiếp tục là xu thế phát triển chung của cả nước và được lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trong giai đoạn phát triển mới, các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy vai trò trong chỉ đạo, điều hành, nhất là vai trò của người đứng đầu đơn vị, phối hợp đồng bộ với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thúc đẩy phát triển KTTT. Bên cạnh đó, tính tiên phong, gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên đóng vai trò quyết định trong thành lập và phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển KTTT, nhằm thúc đẩy các hộ gia đình, kinh tế cá thể, các cơ sở sản xuất tham gia phát triển KTTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các cơ sở KTTT, nhất là HTX phải được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhân sự chủ chốt quản lý của HTX phải có trình độ chuyên môn, tâm huyết, vì lợi ích chung. Bản thân HTX và thành viên HTX phải vì lợi ích tập thể, chủ động từ nội lực của chính mình, không ngừng đổi mới, phát huy tốt sức mạnh của tập thể để vượt qua được những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự phát triển của HTX theo hướng bền vững.

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách: “Trong thúc đẩy phát triển HTX, trước tiên cần lưu ý về mặt tổ chức. Thứ hai là tiền vốn để huy động sản xuất, kinh doanh. Thứ ba là HTX cần chủ động tìm thị trường tiêu thụ, đồng thời HTX cần là thị trường lớn nhất để xã viên an tâm sản xuất theo nhu cầu HTX. Yếu tố vô cùng quan trọng thứ tư chính là lòng tin của người dân vì có lòng tin thì xã viên mới tham gia HTX, cùng góp vốn để sản xuất, kinh doanh”.

Mục tiêu đến năm 2030, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển về số lượng các thành phần kinh tế hợp tác và hình thức liên kết hoạt động có hiệu quả. Trong giai đoạn 2021 - 2030, huyện phấn đấu thành lập mới 5 HTX và 40 THT. Đảm bảo 100% HTX thực hiện góp vốn điều lệ, ký hợp đồng cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra với thành viên, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Trên 90% HTX đạt loại khá, tốt trở lên. Vận động 100% cán bộ chủ chốt trong THT, HTX tham gia bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ theo chương trình đào tạo của tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN