Đoàn khảo sát tác động biến đổi khí hậu tại khu vực cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: P. Hân
Kịch bản nước biển dâng
Năm 2011, tỉnh đã ban hành Kịch bản BĐKH và nước biển dâng tỉnh Bến Tre trên cơ sở Kịch bản Bộ TN&MT năm 2009. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của BĐKH, một số tác động đã đến sớm hơn so với kịch bản tỉnh đã ban hành. Thực tế thời gian qua, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn.
Trước thực tế đó, năm 2015, từ nguồn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tỉnh đã cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng tỉnh Bến Tre theo Kịch bản Bộ TN&MT năm 2012. Kết quả tính toán theo kịch bản, phác thảo trung bình cho thấy: ngập do nước biển dâng (không tính đến ngập do lũ sông Mekong đổ về) tác động đáng kể diện tích tự nhiên của tỉnh. Cụ thể, khi nước biển dâng 12cm vào năm 2020, tỉnh bị ngập 22.202ha/236.020ha, chiếm 9,41%; năm 2030 nước biển dâng 17cm tỉnh sẽ bị ngập 24.557ha, chiếm 10,41%; nước biển dâng 30cm vào năm 2050 tỉnh bị ngập 29.036ha, chiếm 12,30%; khi nước biển dâng 75cm vào năm 2100 tỉnh bị ngập 68.834ha, chiếm 27,17%.
Thực tế, năm 2018, xâm nhập mặn ảnh hưởng không gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, các đợt triều cường tăng ở mức cao, kết hợp gió mùa làm gia tăng độ sóng biển... gây nên tình trạng sạt lở khu vực ven sông, ven biển. Qua thống kê của Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH tỉnh, đến cuối năm 2018, trên toàn tỉnh có 104 điểm sạt lở bờ sông, 8 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 19,4km. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng không còn là kịch bản mà thực tế đã diễn biến bất thường, gây thiệt hại cho kinh tế và sinh kế người dân.
Tại bờ biển khu vực cồn Ngoài, thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở 4km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới cồn Nhàn - cồn Ngoài; khu vực bãi bắn của quân sự huyện Ba Tri và mất hàng cây phi lao ven biển. Đây chỉ là một trong số những điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống người dân trong thời gian qua.
Chủ động ứng phó
Thời gian qua, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH luôn được các cấp, các ngành và các đoàn thể quan tâm thực hiện. Trong đó, Sở TN&MT phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tập huấn kiến thức BĐKH, bảo vệ môi trường cho hơn 200 cán bộ, khoảng 6.355 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh và 23.783 hội viên nông dân được truyền thông.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Chinh cho biết, các dự án nhằm thích ứng với BĐKH như Dự án xây dựng hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời thông tin đến nhân dân. Tỉnh cũng đang tập trung triển khai thực hiện để gấp rút hoàn thành các dự án mang tính khả thi đối với địa phương trong ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri; Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế bền vững cho người dân Bắc Thạnh Phú đang trong giai đoạn khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt. Dự án Cấp nước sinh hoạt cù lao Minh trong điều kiện BĐKH, Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã được phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện; nguồn kinh phí triển khai từ chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp để hướng đến hoàn thành công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh. Trong đó, hoàn thành việc lắp đặt, vận hành thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo mặn tự động trong năm 2019; hoàn thành Dự án Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh; triển khai và hoàn thành dự án đánh giá khí nhà kính và xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tỉnh Bến Tre.
“Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu BĐKH tỉnh phù hợp dữ liệu quốc gia; hoàn thành dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre; hoàn thành dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển bền vững sinh kế cho người dân ven biển huyện Ba Tri và Thạnh phú nhằm thích ứng với BĐKH…”, ông Nguyễn Văn Chinh cho biết.
Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện ứng phó với BĐKH, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện lồng ghép nội dung BĐKH vào kế hoạch phát triển, chương trình, dự án giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng, sẵn sàng các đề xuất dự án, tranh thủ và tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước giúp sức cho công tác ứng phó với BĐKH. |
Phan Hân