Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

20/05/2019 - 07:02

BDK - Bình Đại là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi và đánh bắt thủy sản. Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) với các công trình, dự án được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) cũng được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Thạnh Trị phù hợp với biến đổi khí hậu tại khu vực ngọt hóa sông Ba Lai.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Thạnh Trị phù hợp với biến đổi khí hậu tại khu vực ngọt hóa sông Ba Lai.

Kết quả bước đầu

Huyện đã rà soát, bổ sung, đưa nội dung công tác chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT vào chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đã tổ chức 68 lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức pháp luật về BĐKH, BVMT và năng lực thích ứng với BĐKH; lắp đặt và sửa chữa 93 pa-nô; thực hiện chuyên mục Tài nguyên và môi trường (MT) định kỳ 1 lần/tuần trên đài truyền thanh và tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh MT, Ngày MT Thế giới 5-6, Ngày Đất ngập nước, Giờ Trái đất và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; đưa chuyên mục BĐKH và nước biển dâng vào chương trình phát thanh định kỳ hàng tuần. Xây dựng 285 hố xí hợp vệ sinh cho 285 hộ gia đình, xây dựng bãi rác tại xã Long Hòa, Thạnh Phước, Thới Thuận.

Triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học về công nghệ sinh học nhằm lựa chọn ra giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo sản phẩm thân thiện với MT. Nạo vét 64 tuyến kênh thủy lợi và sửa chữa cống, ứng phó kịp thời tình hình xâm nhập mặn, triều cường. Thực hiện dự án Đê biển từ Thừa Mỹ đến Vũng Luông và từ Vũng Luông đến cống đập Ba Lai. Xây dựng 2 cống trên Đê Tây, xã Thới Lai và Châu Hưng; gia cố bờ bao đoạn đầu cồn Ấp 1 và đoạn giáp cuối cồn Ấp 4, xã Tam Hiệp, dự án kè chống xói lở bờ sông Giao Hòa; xây dựng hệ thống đê sông Tiền và các cống trên đê thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre; xây dựng cống Cầu Ván; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Bình Châu tại Ấp 5, xã Bình Thắng; công trình nhà tránh trú bão xã Thới Thuận. Nạo vét 15 tuyến kênh thủy lợi và đắp đập Kênh Xáng; kè gia cố sạt lở đoạn đường Đê Tây ven sông Ba Lai.

Công tác BVMT được quan tâm đúng mức, đã kiểm soát việc thu gom và xử lý rác thải bằng các phương pháp thích hợp, tập trung hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch tại các xã. Phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện và nhân rộng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp ủ phân compost tại hộ gia đình ở các khu vực nông thôn. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường nội bộ và đào hố xử lý rác thải tại bãi rác huyện. Hỗ trợ các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, đã hỗ trợ các địa phương 100 thùng thu gom, vận chuyển chất thải.

Đầu tư nâng cấp bãi rác huyện nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm MT của địa phương. Triển khai Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Làng nghề Bình Thắng (khắc phục ô nhiễm và cải thiện MT làng nghề Bình Thắng) với mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt từ Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, góp phần khắc phục ô nhiễm, cải thiện MT và nâng cao nhận thức của người dân về BVMT và thích ứng với BĐKH. Ngăn chặn sự phát sinh các khu vực bị ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương trong điều kiện BĐKH.

Giải pháp trong thời gian tới

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Chương trình hành động số 29-CTr/TU của Tỉnh ủy về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH, tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với BĐKH gắn với bảo vệ tài nguyên và MT.

Thực hiện tốt công tác phối hợp với đoàn thể huyện trong tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH bằng các hình thức đa dạng, tập huấn, tuyên truyền trực quan và các cuộc thi tìm hiểu về BĐKH, BVMT. Kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân trước những diễn biến phức tạp, bất thường của các hiện tượng BĐKH để định hướng tuyên truyền, đảm bảo cho nhân dân chủ động phòng ngừa và thích ứng, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro cho nhân dân.

Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình công nghệ thích ứng với BĐKH, bảo vệ tài nguyên và MT trong sản xuất, chăn nuôi và xử lý rác thải để triển khai áp dụng, nhân rộng cho huyện. Tiếp tục tập trung chỉ đạo hỗ trợ việc thực hiện nội dung tiêu chí MT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã. Tập trung thực hiện tốt công tác lập báo cáo quan trắc, phân tích chất lượng MT hàng năm để kịp thời cập nhật, dự báo hiện trạng chất lượng MT làm cơ sở cho công tác quản lý, BVMT và có kế hoạch phòng chống suy thoái, sự cố MT.

Thực hiện công tác ứng phó sự cố MT, công tác phòng tránh và khắc phục MT do thiên tai gây ra. Tăng cường công tác hỗ trợ các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, hỗ trợ các xã thùng thu gom, vận chuyển chất thải. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép.

Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch liên quan đến dự trữ, cung cấp nước phù hợp với BĐKH, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Phối hợp xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý tại các công trình thủy lợi để tích trữ nước, hạn chế tối đa ô nhiễm trên các sông rạch, nhằm đảm bảo các điều kiện chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của nhân dân trên địa bàn huyện trước tình hình diễn biến phức tạp của BĐKH gây ra.

Thực hiện công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, huyện phối hợp với các huyện có liên quan và Đồn Biên phòng Cửa Đại quản lý chặt chẽ khoáng sản khu vực đới bờ vùng cửa sông, biển trên địa bàn huyện.

Thực hiện tốt công tác quản lý, tuyên truyền, phòng ngừa và kiểm tra xử lý, đã tổ chức tuyên truyền được 69 lớp với 3.450 lượt người tham dự tại các xã có tuyến sông đi qua, các khu vực phức tạp về tình hình khai thác khoáng sản, tuyên truyền đến các tổ nhân dân tự quản. Mời làm việc, có 21 chủ phương tiện hành nghề khai thác cát trên địa bàn huyện viết cam kết không khai thác khoáng sản (cát lòng sông) trái phép và chấp hành tốt giao thông đường thủy nội địa.

Tăng cường kiểm tra xuyên suốt các hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 121 trường hợp. Phối hợp Công an huyện, Quản lý thị trường, Chi cục Thuế huyện đã kiểm tra 9 cơ sở kinh doanh bến bãi tập kết cát, lập biên bản nhắc nhở các cơ sở kinh doanh phải chấp hành đúng các quy định pháp luật. Triển khai các văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm lĩnh vực đất đai, khoan giếng nước mặn trong vùng quy hoạch ngọt hóa.

Bài, ảnh: Công Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN