Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ khai mạc vào sáng 20-10-2021 và dự kiến bế mạc vào ngày 13-11-2021. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp này được tiến hành 2 đợt: đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà QH đến 62 Đoàn đại biểu (ĐB) QH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-10 đến 3-11-2021) và đợt 2 sẽ họp tập trung tại Nhà QH (từ ngày 8 đến ngày 13-11-2021). Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo QH xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng chống dịch.
Nội dung của Kỳ họp thứ 2 được chia thành 2 phần chính gồm: phần thứ nhất là công tác lập pháp; phần thứ hai là quyết định về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, kỳ họp dự kiến sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (NQ), gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; NQ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; NQ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; NQ về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; NQ quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; NQ giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời QH sẽ xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Kỳ họp sẽ xem xét các báo cáo và quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022...
Bên cạnh đó, QH sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp; Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thành phố.
Nguyễn Thị Yến Nhi
(Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre)