Chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết

08/01/2020 - 06:49

BDK - Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề. Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh mua bán trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các cửa hàng trưng bày đa dạng hàng hóa phục vụ Tết.

Các cửa hàng trưng bày đa dạng hàng hóa phục vụ Tết.

Dự trữ hàng hóa

Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình cho biết, các DN thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh mua bán trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện công tác dự trữ, bổ sung hàng hóa để đảm bảo đầy đủ số lượng, đa dạng chủng loại. Hầu hết DN, cơ sở đều cam kết bảo đảm cung ứng hàng hóa đạt và vượt kế hoạch, giữ giá cả ổn định.

Điển hình, Chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Co.opmart Bến Tre dự kiến mức dự trữ hàng hóa 2 tháng cuối năm tăng 30% so với các tháng trước. Cụ thể, gạo 4 tấn, thịt heo 6 tấn, thịt bò 1 tấn, thịt gia cầm sạch 6 tấn, giò chả, xúc xích 154 tấn; rau, củ, quả các loại 100 tấn; bánh kẹo 400 tấn; đường 50 tấn; sữa các loại 400 tấn; rượu, bia 60 ngàn lít; nước giải khát các loại 600 ngàn lít; thực phẩm công nghệ đông lạnh 150 tấn…

Công ty cổ phần Thương mại Trúc Giang có kế hoạch dự trữ các nhóm hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết, với tổng giá trị 84 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công ty Xăng dầu Bến Tre dự trữ khoảng 5.000m3, nhằm đảm bảo cho các cửa hàng và khách hàng thuộc hệ thống phân phối của công ty đủ nguồn xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công ty đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện vận tải thủy, bộ chuyên dùng để vận chuyển xăng dầu kịp thời. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 300 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của các DN khác cũng đã chuẩn bị nguồn nhiên liệu phục vụ trước, trong và sau Tết.

Công ty Lương thực Bến Tre đã xây dựng kế hoạch cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực thiết yếu cuối năm 2019 và Tết. Số lượng dự trữ gạo các loại khoảng 300 tấn, với giá bán gạo bình ổn là 10.500 đồng/kg, giá bán các loại gạo thông dụng từ 12 - 15 ngàn đồng/kg. Các loại gạo có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Công ty thực hiện việc niêm yết giá tại các cửa hàng và luôn có từ 2 - 3 nhân viên bán hàng túc trực trong và ngoài giờ làm việc. Tại các điểm bán gạo bình ổn giá, công ty treo băng-rôn bán hàng bình ổn giá và thông tin trên các phương tiện đài truyền thanh tại địa phương để người dân nhận biết, tránh xảy ra đột biến giá cả. Ngoài các điểm đăng ký trên, trường hợp đặc biệt khẩn cấp, công ty sẽ tổ chức mở thêm các điểm bán hàng lưu động bằng xe tải để phục vụ cho công tác bình ổn giá cả thị trường lương thực (đối với mặt hàng gạo) theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Công ty Lương thực Thịnh Phát đã dự trữ 1 ngàn tấn gạo. Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh cũng có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường với tổng giá trị gần 4,6 tỷ đồng. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cửa hàng, đại lý bán lẻ, các thương nhân kinh doanh tại 172 chợ dự trữ hàng hóa với số lượng khá lớn, tăng khoảng 20% so với ngày thường. Các DN, cơ sở, cửa hàng tổ chức các hoạt động khuyến mại để khuyến khích tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối phục vụ người dân mua sắm.

Tăng cường quản lý thị trường

Theo báo cáo của huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc, có khoảng 9 ngàn hộ nông dân sản xuất hoa kiểng. Ước tính sản xuất được 11 triệu sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với tổng doanh thu ước tính khoảng 920 tỷ đồng.

Sở Công Thương đã chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại hàng hóa phục vụ Tết, như: lương thực, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, văn hóa phẩm, phương tiện đi lại, quần áo may sẵn... nhằm tạo nguồn hàng phong phú, ổn định giá cả, chất lượng, an toàn, đảm bảo văn minh thương mại phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân. Trên cơ sở diễn biến của thị trường, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, trường hợp có biến động báo cáo về Sở Công Thương để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Sở Công Thương chỉ đạo các DN kinh doanh quản lý chợ, các ban, tổ quản lý chợ hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện việc bán hàng văn minh lịch sự, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực chợ.

Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình cho biết: Thực hiện Công văn số 5887 ngày 21-11-2019 của UBND tỉnh theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019, sở sẽ tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương TP. Cần Thơ chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu thị trường thịt heo để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN