Trang thiết bị của phòng thử nghiệm.
Trang thiết bị hiện đại
Thông qua Dự án Tăng cường năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - giai đoạn 1, phòng thử nghiệm được đầu tư thêm máy móc thiết bị gồm: máy quang phổ hấp thụ phân tử UV-VIS, máy quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS, tủ sấy, máy chiết béo tự động 6 chỗ, lò nung, Autoclave, máy đo pH và độ dẫn diện EC, bơm hút chân không, bộ gia nhiệt COD, tủ BOD, máy khuấy từ có gia nhiệt, máy đo ồn tích phân, máy đo ánh sáng… với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng.
Trung tâm đã khai thác và đưa vào sử dụng hầu hết các thiết bị được đầu tư cho công tác chuyên môn, từng bước phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước và nhu cầu người dân trong tỉnh. Thiết bị đầu tư phục vụ kịp thời cho công tác đánh giá tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân, trên cơ sở đó hướng các đơn vị sản xuất, kinh doanh của tỉnh đưa ra sản phẩm, hàng hóa đạt các tiêu chuẩn của Việt nam và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và uy tín của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Việc triển khai các thiết bị mới tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận được với những thiết bị có kỹ thuật cao, công nghệ mới. Từ đó triển khai công việc, tiến hành thực hiện các phép đo, thử theo những phương pháp mới đang được các phòng thử nghiệm thuộc các tổ chức trong nước và quốc tế áp dụng. Quá trình hoạt động với các trang thiết bị mới cũng sẽ yêu cầu cán bộ nỗ lực nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể nắm bắt được nội dung các tài liệu kỹ thuật, tạo phong cách làm việc hiện đại, có tính khoa học.
Phòng Thử nghiệm đã được Văn phòng Công nhận chất lượng công nhận năng lực phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với mã số VILAS 336; được Tổng cục Môi trường, Cục Chăn nuôi chỉ định phòng thử nghiệm đủ điều kiện phân tích, thử nghiệm các lĩnh vực: phân tích môi trường, quan trắc hiện trường; phân tích thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; phân tích các chỉ tiêu kim loại trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nước và nước thải...
Phục vụ công tác quản lý nhà nước
Hiện tại, phòng thử nghiệm có khả năng phân tích chất lượng sản phẩm hàng hóa (hóa, vi sinh): dầu mỡ động, thực vật; cơm dừa, hạt có dầu; nước thải, nước mặt, nước ngầm, nước sinh hoạt (các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kim loại và kim loại nặng: đồng, chì, kẽm, sắt, cadimi, asen, kali, natri); thức ăn chăn nuôi; nước mắm; than; thực phẩm, rau quả… Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đã thực hiện kiểm nghiệm 426 mẫu, với 1.904 chỉ tiêu.
Ban giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy năng lực hiện có, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
Tham mưu xây dựng Dự án Tăng cường tiềm lực hoạt động giai đoạn II, để qua đó sẽ trang bị thêm máy móc, thiết bị thử nghiệm (hiện tại số lượng trang thiết bị thử nghiệm còn rất hạn chế, chủ yếu là các thiết bị, máy móc được đầu tư từ giai đoạn I chưa đồng bộ), để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, các chỉ tiêu, hàm lượng của thuốc trừ sâu, mở rộng khả năng thử nghiệm trong lĩnh vực này, nhằm phục vụ công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm rau củ quả sử dụng trong cuộc sống hàng ngày… Bên cạnh đó, triển khai dịch vụ thử nghiệm một số chỉ tiêu đối với thuốc trừ sâu, hàm lượng các chất trong thức ăn gia súc, nhằm đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người dân.
Tăng cường công tác quảng bá giới thiệu năng lực thử nghiệm của đơn vị trên báo, đài để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ về các dịch vụ trung tâm cung cấp, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội trong lĩnh vực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bài, ảnh: Hoàng Vân