Chuẩn bị trưng bày hiện vật tại Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc

23/10/2020 - 07:17

BDK - Di tích chùa Tuyên Linh (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam) là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp sư cụ Lê Khánh Hòa để đàm đạo và mở lớp dạy Phật tử hốt thuốc giúp đồng bào, dân nghèo (năm 1927). Nhằm lưu giữ và giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau, UBND tỉnh đã cho xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc cạnh Di tích chùa Tuyên Linh (khởi công cuối năm 2019). Đến nay, công trình đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 11-2020. Nhiều hình ảnh, tư liệu quý đang được tập hợp, chuẩn bị trưng bày tại đây.

Một tư liệu quý có trong Đề cương trưng bày được báo cáo đến Hội đồng thẩm định.

Một tư liệu quý có trong Đề cương trưng bày được báo cáo đến Hội đồng thẩm định.

Công trình ghi dấu lịch sử về cụ Phó bảng

Ý nghĩa quan trọng của công trình Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc là lưu giữ giá trị lịch sử về mối tương quan giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và chùa Tuyên Linh khi cụ đặt chân đến đây. Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm 1861, vị trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Khánh Phong, kế đến là nhà sư Lê Khánh Hòa. Vào khoảng cuối năm 1920, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự giúp đỡ của hòa thượng trong thời gian lưu trú tại chùa. Cụ đã mở lớp dạy học, bắt mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng.

Tuy thời gian ở đây không lâu, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có mối quan hệ với các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Chùa Tuyên Linh cũng từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm Đồng khởi. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 20-7-1994.

Công trình Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng với tổng diện tích trên 9.000m2, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Quang Hiện thi công. Công trình gồm các hạng mục: đền thờ, nhà trưng bày - tiếp khách, hồ nước, cổng tường rào, hàng rào xung quanh, sân đường nội bộ, nhà vệ sinh… Nguồn từ ngân sách tỉnh và vận động xã hội hóa. Đây là một trong những công trình lịch sử - văn hóa chào mừng Đại hội Đảng các cấp trong năm 2020 và là công trình giáo dục lịch sử - văn hóa trực quan cho các thế hệ, phục vụ cho khách du lịch, tham quan tìm hiểu, gắn liền với Di tích chùa Tuyên Linh.

Tập hợp nhiều tư liệu quý

Một trong những phần trọng tâm của công trình là hạng mục Nhà trưng bày. Nơi đây sẽ trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu quý về gia đình, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, các mối quan hệ, những nơi đã từng đến… liên quan đến cụ Nguyễn Sinh Sắc. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi họp với hội đồng thẩm định để thông qua Đề cương trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại khu lưu niệm nêu trên.

Mục đích thông qua việc trưng bày các hình ảnh, tư liệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc nhằm giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ. Qua đó, thấy được sự ảnh hưởng to lớn của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong sự hình thành nhân cách, tấm lòng yêu nước thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, để giới thiệu đến khách tham quan; góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của tỉnh nhà, của đất nước.

Phần đề cương dự thảo do Ban Quản lý di tích tỉnh phụ trách tham mưu Ban Giám đốc sở và trình Hội đồng thẩm định xem xét cho ý kiến. Theo đó, dự kiến số hình ảnh, tư liệu được tập hợp sẽ được bố trí trưng bày theo 3 chủ đề chính: 1. Quê hương và gia đình, 2. Sự nghiệp quan trường và hoạt động ở miền Nam, 3. Tấm lòng nhân dân Bến Tre đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Với bảng Đề cương dự thảo trưng bày, các thành viên Hội đồng thẩm định của tỉnh đã cho ý kiến bổ sung một số hình ảnh hiện tại ở các nơi liên quan đến cụ để có sự so sánh sinh động; kiểm tra kỹ các thông tin lịch sử liên quan đến các hình ảnh, tư liệu; có thể mở rộng chủ đề 3 về Tấm lòng nhân dân Bến Tre với cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng lưu ý: “Phần kết cấu bố cục trưng bày sao cho hài hòa, cân đối; đặc biệt là cần làm điểm nhấn mạnh về mối quan hệ giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Lê Khánh Hòa; đồng thời, bổ sung thêm một số hình ảnh tư liệu theo các chủ đề… Cần có sự đầu tư cao, chăm chút và chính xác, vì đây là một công trình lịch sử quan trọng để giáo dục mãi về sau”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN