
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát công trình ngăn mặn, trữ ngọt hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
* Phóng viên: Bến Tre vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá “là một trong những tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm rất tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19”. Để giữ vững thành quả nói trên, tỉnh sẽ thực hiện công tác phòng chống dịch với quan điểm như thế nào thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy?
- Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Tỉnh đã rất nỗ lực trong việc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đến ngày 22-9-2021, tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đạt “vùng xanh”, 157 xã, phường, thị trấn đạt “vùng xanh”, 966/968 ấp, khu phố “vùng xanh”, chỉ còn 2 ấp là “vùng vàng” đang cố gắng sớm nhất để xanh hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta hoàn toàn không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Vì vẫn còn những nguy cơ rất cao, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Nguy cơ cao do tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên địa bàn tỉnh ở mức khiêm tốn là 22% dân số từ 18 tuổi trở lên (22-9-2021). Nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh vẫn khá cao do một số tỉnh, thành phố trong khu vực còn số ca mắc trong ngày ở mức cao (mặc dù đã có giảm). Lưu thông hàng hóa “luồng xanh” là chủ trương đúng đắn, không để hàng hóa bị ách tắc, đứt gãy, nhưng một bộ phận nhà xe, chủ xe thực hiện không đúng, lợi dụng để chở người, thoát ly khỏi sự kiểm soát, điều này rất nguy hiểm.
Quan điểm của tỉnh trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế là bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân, phục vụ nhân dân. Đây là mục tiêu số 1, mục tiêu trước hết, cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đang tiếp tục tập trung các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”. Muốn giữ được “vùng xanh” cần phải phòng ngừa chủ động, chống xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh. Cụ thể, phải thực hiện tốt “5K”, không chủ quan, mất cảnh giác, phải huy động được toàn thể người dân tham gia vào cuộc; phòng chống dịch chủ động, tự giác, ý thức, trách nhiệm của người dân phòng chống dịch là một yếu tố quyết định phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh thành công; kiểm soát chặt chẽ các vành đai trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển vào tỉnh; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vào ra tỉnh. Kiểm tra, bảo đảm thực hiện nghiêm điểm đến và điểm đi của các phương tiện tại điểm xếp, dỡ hàng hóa, quy định điểm xếp, dỡ hàng hóa tại các xã, phường, thị trấn; không cho phép phương tiện đỗ dọc đường len lỏi vào các khu dân cư để xuống hàng hóa, tài xế và phụ xế không tiếp xúc với người ở địa phương và tạm thời chưa về nhà, mà phải ở nơi tập trung ăn, ở, nghỉ ngơi được bố trí riêng để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, để phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu, nhân viên y tế, công an, quân đội, các chốt kiểm soát, công nhân, lao động; tiêm phòng, hỗ trợ giúp cho tổ thu hoạch nông sản; hỗ trợ cho lực lượng vận chuyển, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hàng ngày có lượng người ra vào rất lớn, việc tổ chức lại hoạt động cần đảm bảo thực hiện nghiêm “5K”, có kính chắn giọt bắn… Đồng thời, tỉnh chú trọng, thúc đẩy nhanh tiến độ 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ tỉnh trong việc thực hiện các công trình, dự án; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
* Thời gian qua, đồng chí đã đi thực tế nhiều nơi và làm việc với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng chí có thể chia sẻ về nhận định, ấn tượng ban đầu?
- Tinh thần Đồng khởi là động lực rất lớn cho sự phát triển của tỉnh trong suốt giai đoạn từ trước đến nay. Và bây giờ được nâng lên với tinh thần “Đồng khởi mới” trong toàn tỉnh, tôi có cảm nhận được tinh thần như vậy thông qua cách nghĩ, cách làm, xác định mục tiêu, chiến lược, các nội dung nghị quyết và các chương trình hành động của tỉnh, thông qua việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong hệ thống chính trị. Điều này là rất đáng mừng vì tạo ra được nguồn lực, khí thế rất tốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh cũng hội tụ nhiều điều kiện tốt để phát triển như: vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, đất đai thổ nhưỡng khá tốt mang lại khả năng phát triển ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản... tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng và khác biệt. Bến Tre cũng là tỉnh duyên hải ven biển, tiếp giáp Biển Đông, với 65km bờ biển. Tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế biển, không chỉ là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, hải sản mà còn có điều kiện phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, phát triển lĩnh vực công nghiệp như: điện gió, điện khí, phát triển hệ thống giao thông đường biển kết hợp với giao thông thủy nội địa và đường bộ để kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và ngoài nước, phát triển dịch vụ cảng biển, logistics...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đối mặt với một số khó khăn như thiếu nhiều tuyến đường kết nối giao thông giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối tỉnh với các tỉnh khác. Do đó, hệ thống giao thông cần được mở rộng, kết nối đồng bộ hơn. Cần hình thành được tuyến giao thông động lực tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn trong tỉnh và kết nối tỉnh với khu vực. Giao thông đường thủy nội địa, đường biển có lợi thế nhưng thực tế khai thác gần như rất khiêm tốn, cần đầu tư, phát triển. Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu như: xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống của người dân. Tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh vẫn còn khiêm tốn.
Hiện diện tích đất công do nhà nước quản lý khoảng 3,7% (trong hơn 230 ngàn ha diện tích toàn tỉnh). Khi tỉnh cần phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường sá để thu hút các dự án về gắn bó với phát triển nông nghiệp thì tỉnh cũng tốn rất nhiều thời gian và chi phí thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng... Đây là những vấn đề đặt ra cần có phương án giải quyết tối ưu trong quá trình phát triển.
Lợi thế rất lớn về nông nghiệp, du lịch, kinh tế biển nhưng tỉnh cần đầu tư tìm ra những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện lợi thế tự nhiên. Để khơi thông được các nguồn lực, các mô hình này cần được định hình rõ nét. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp cần khắc phục tình trạng cắt khúc, các hộ gia đình sản xuất cần có sự hợp tác để hình thành quy mô sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra năng suất, chất lượng cao. Số lượng doanh nghiệp về tỉnh cần cải thiện, đưa được công nghiệp chế biến về tỉnh (hiện tỉnh chỉ chủ yếu cung ứng trái cây, hải sản, thủy sản, gia súc bán cho thương lái, đại lý). Đồng thời, để mở ra không gian rộng lớn cho phát triển, bên cạnh việc khai thác triệt để lợi thế tự nhiên, tỉnh cần đầu tư cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; đầu tư, cải cách các cơ chế, chính sách, áp dụng, mở rộng hợp tác công tư (PPP) và các mô hình phát triển phù hợp, theo tinh thần “Đồng khởi mới” và “Đồng thuận, sáng tạo”, tạo ra lợi thế so sánh lớn cho tỉnh phát triển.
Đó là những khó khăn nhưng tiềm năng, lợi thế là rất nhiều, trong đó có những khó khăn đối mặt mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu. Nhưng làm thế nào để phát triển, đó là hợp tác, đi cùng nhau, bắt tay với nhau cùng vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng; cần có đầu tư để khắc phục những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần thay đổi mô hình sản xuất, phương thức sản xuất... bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất thích ứng, phù hợp với biến đổi khí hậu. Một mặt, chúng ta phải thích ứng với thay đổi, một mặt có biện pháp phòng chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tôi đã dành thời gian đi thăm một số công trình thủy lợi tiêu biểu của tỉnh, vừa nghe báo cáo, vừa khảo sát trên bản đồ và thực tế về kế hoạch một số công trình thủy lợi chuẩn bị làm. Tôi thấy hệ thống thủy lợi của tỉnh được quy hoạch và đang thực hiện rất bài bản, quy mô, đồng bộ. Hệ thống thủy lợi cần phải làm nhanh. Tỉnh quy hoạch gần 200 hệ thống cống điều tiết nước, trữ nước ngọt vừa đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa chống xâm nhập mặn. Đến nay, tỉnh đã thực hiện khoảng 140 cống, còn khoảng 60 cống tiếp tục đầu tư thì cần phải đầu tư nhanh.
* Đồng chí có thể truyền cảm hứng về tinh thần làm việc của bản thân đến cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh nhà?
- Làm việc thì phải lấy công việc làm trung tâm, thúc đẩy công việc chuyển động tích cực, đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ. Quan điểm của tôi là chúng ta cùng nhau tổ chức thực hiện thành công các công việc. Trước hết, xác định chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, rồi đến các chương trình, dự án, và tổ chức thực hiện có kết quả. Lấy công việc làm trung tâm, cùng với nhau thúc đẩy công việc có chuyển động nhanh, tích cực đúng định hướng, phát huy hiệu quả, tạo ra giá trị, sản phẩm cụ thể, mang lại sự phát triển về kinh tế - xã hội cho tỉnh. Trực tiếp nhất chính là mang lại sự ấm no cho người dân. Người dân phải cảm nhận được có cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn, cải thiện hơn về mặt vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Chính vì thế, tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đang chỉ đạo sát sao, quyết liệt các công việc, thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặt mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải phát triển bền vững, chứ không phải phát triển nhanh để rồi mất cân bằng hoặc gây ra những hậu quả, trả giá về môi trường, vấn đề xã hội nảy sinh. Phải quan tâm vấn đề môi trường, xã hội ngay trong từng bước, từng khâu của quá trình phát triển bền vững và đó cũng là những yêu cầu rất cao, đem lại sự phát triển, an toàn thực sự cho người dân và an toàn về môi trường sống.
Việc tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 theo phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” là rất chính xác và phù hợp với thực tiễn, xu hướng cần có trong phát triển của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đang rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra và người dân cần đồng hành thực hiện thì mới có kết quả tốt đẹp.
* Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ!
Thạch Thảo (thực hiện)