Chung tay chăm lo cho nạn nhân da cam

10/08/2020 - 06:52

BDK - Cách nay 59 năm (10-8-1961), chuyến bay đầu tiên của quân đội Mỹ tiến hành rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô, mở đầu cho chiến dịch khai hoang. Chất độc hóa học đã rải xuống miền Nam trong giai đoạn từ 1961 - 1871, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm.

Hoạt động thăm, tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bến Tre nhân dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Quốc Phong

Hoạt động thăm, tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bến Tre nhân dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Quốc Phong

Phát triển tổ chức hội

Hậu quả do chất độc hóa học để lại không chỉ một thế hệ mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ sau chiến tranh. Hàng triệu người Việt Nam đã chết, mắc bệnh nan y, hiểm nghèo, di truyền cho con, cháu. Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, hiện số hộ có người bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh là 4.744 hộ, số người bị nhiễm chất độc hóa học 14.576, người dị dạng, dị tật là con đẻ, cháu nội, cháu ngoại là 5.232 người.

Được thành lập ngày 20-6-2006, đến nay, qua gần 15 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã thể hiện trách nhiệm đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật. Hội vừa vận động xây dựng, phát triển tổ chức, vừa vận động xã hội giúp đỡ nạn nhân, phát triển nhiều phong trào. Nếu ngày mới thành lập, hội chỉ có 100 hội viên, Ban Chấp hành 33 người, chưa có tổ chức hội cấp huyện, thành phố, xã, phường thì đến nay mạng lưới tổ chức hội đã mở rộng 9 huyện, thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, hội cơ sở phát triển 243 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện có 21.662 hội viên. Cùng với hội viên, còn có hơn 2,6 ngàn tình nguyện viên duy trì hoạt động đồng hành cùng hội, vận động chăm sóc tốt nạn nhân chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho nạn nhân cũng như các đối tượng là người khuyết tật, bệnh ngặt nghèo. Các chương trình chủ yếu của hội như: vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh, chương trình chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam, hoạt động nhà nhân ái chăm sóc trẻ em khuyết tật, khám bệnh, cấp thuốc, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Các hoạt động đều nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều mạnh thường quân, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Điều thành công của các hoạt động là tính thiết thực và hiệu quả đối với từng trường hợp được hỗ trợ. Mỗi hội cấp huyện, thành phố lại có cách tổ chức hoạt động hỗ trợ phù hợp, sát với hoàn cảnh của đối tượng.

Nhiều hoạt động thiết thực

Năm 2020 là năm thứ 2 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 3 nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng thời hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam  (10-8-1961 - 10-8-2021). Dịch Covid-19 và hạn mặn kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân tỉnh nhà nói chung, trong đó những nạn nhân da cam, các bệnh nhân nghèo, người khuyết tật - thành phần yếu thế trong xã hội, càng chịu nhiều khó khăn hơn.

Những tháng đầu năm, các cấp hội đã tập trung kế hoạch vận động trao quà Tết, vận động nước ngọt và dụng cụ chứa nước ngọt, vận động quà và khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 cho nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; tổng giá trị tiền mặt và hiện vật quy thành tiền hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 46 ngàn suất quà Tết cho các đối tượng là gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, trẻ em mồ côi, người khuyết tật.

Hội cũng đã kịp bàn giao 34 căn nhà trong dịp Tết, hỗ trợ vốn cho 364 hộ với tổng số vốn trên 2,5 tỷ đồng. Việc trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân chất độc da cam tại cộng đồng được duy trì với 835 người. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hỗ trợ xe lăn, xe lắc, hỗ trợ đột xuất cho nạn nhân bệnh đi điều trị bệnh, vận động xây 16 cây cầu, sửa chữa nâng cấp 6 đoạn lộ nông thôn...

Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2020), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lê Thị Thanh Vân kêu gọi cán bộ, hội viên tỉnh nhà phát huy truyền thống “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam” phấn đấu nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần với Đảng, Nhà nước khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN