Hướng đến Lễ hội Dừa Bến Tre lần V năm 2019:

Chương trình nghệ thuật giới thiệu tổng quan xứ Dừa

28/08/2019 - 06:47

BDK - Đêm khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16-11-2019 và bế mạc lúc 20 giờ ngày 20-11-2019 tại Sân vận động tỉnh (phường Phú Tân, TP. Bến Tre).

Hình tượng Tượng đài Đồng Khởi sẽ được nghệ thuật hóa trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc.

Hình tượng Tượng đài Đồng Khởi sẽ được nghệ thuật hóa trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc.

Dựa trên lịch sử, văn hóa, đất và người Bến Tre, chương trình nghệ thuật biểu diễn đêm khai mạc và bế mạc Lễ hội Dừa lần V năm 2019 được phía Công ty cổ phần Đối tác vàng DC dự thảo như một bức tranh tổng quan thu nhỏ về quê hương Bến Tre. Những phần cơ bản của kịch bản này đã được UBND tỉnh thông qua để đơn vị phụ trách bắt đầu tiến hành chỉnh sửa hoàn chỉnh.

Chuyển tải nét đặc trưng

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang là tác giả kịch bản sân khấu của hai chương trình này, đồng thời là tổng đạo diễn chương trình. Tuy là người quê gốc Phú Yên nhưng ông đã dành nhiều tình cảm, thời gian để tìm hiểu về quê hương xứ Dừa vì bề dày lịch sử và sự thân thiện của con người nơi đây - như ông thổ lộ. Ông đã từng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những đóng góp tích cực của ông trong hoạt động nghệ thuật, ông có nhiều sáng tác đoạt giải cao tại các cuộc thi danh giá do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và ông cũng đã tham gia viết nhiều kịch bản cho nhiều sự kiện nghệ thuật ở các nơi.

Với Bến Tre, ông bày tỏ, đây là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc; là một tỉnh được thiên nhiên ban tặng một màu xanh ngát của dừa. Tinh thần Đồng khởi và cây dừa đã trở thành biểu tượng của vùng đất Bến Tre. Khi nói đến Bến Tre là mọi người biết đó là xứ sở của cây dừa, vì vậy mà dân gian đã có câu “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”…

Từ những nét đặc trưng rất riêng ấy của xứ sở ba dải cù lao, ông đã nghiên cứu để cho ra đời kịch bản chương trình nghệ thuật đêm khai mạc chủ đề “Ngày mới trên quê hương xứ Dừa”, với 3 chương lớn: 1 - Dáng đứng Bến Tre, 2- Hương sắc Bến Tre và 3 - Khát vọng Bến Tre (hiện các tên gọi chủ đề đang được tiếp tục cân nhắc để lựa chọn phù hợp). Theo đó, thông qua nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, kết hợp máy chiếu màn ảnh rộng trên sân khấu sẽ chuyển tải nội dung giới thiệu về đất và người Bến Tre theo từng chủ đề.

Cụ thể như ở chương 1 - Dáng đứng Bến Tre, ông đã lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng cùng tên viết về Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nội dung ca ngợi các đấng tiền nhân đã mở mang bờ cõi và những người đã đổ mồ hôi, nước mắt lẫn hy sinh xương máu để xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất này. Đồng thời, tự hào về những đóng góp của Bến Tre trong công cuộc giải phóng quê hương. Ở chương 2 - Hương sắc Bến Tre, tập trung giới thiệu về xứ Dừa và sản phẩm từ dừa, về quê hương, con người, về địa danh, du lịch cũng như văn hóa và hoạt động văn hóa đặc trưng của Bến Tre. Ở chương 3 - Khát vọng Bến Tre, nội dung thể hiện tinh thần hội nhập và khát vọng vươn lên để phát triển của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre ngày nay; đồng thời, thể hiện sự chung tay góp sức để cùng nhau vươn ra biển lớn của Bến Tre.

Riêng đêm bế mạc sẽ có một chương trình nghệ thuật riêng, mang màu sắc vui tươi, thể hiện sự kết nối, giao thoa văn hóa của Bến Tre với khu vực và các vùng miền.

Quy mô Đầu tư

Kịch bản nêu trên vừa được Hội đồng nghệ thuật tỉnh thẩm định, đóng góp, thông qua các nội dung cơ bản và giao tác giả tiếp tục chỉnh sửa hoàn chỉnh. Chỉ đạo chương trình là Ban tổ chức Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V năm 2019, đơn vị tổ chức thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, đơn vị thực hiện chương trình nghệ thuật: Công ty tổ chức sự kiện Đối tác vàng (Công ty cổ phần Đối tác vàng DC).

Thông tin từ đại diện Công ty cổ phần Đối tác vàng DC, dự kiến, sẽ có khoảng 300 lực lượng diễn viên góp sức vào chương trình (bao gồm cả 3 lực lượng: chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng - lực lượng từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà). Chương trình sẽ sử dụng nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Bến Tre và cả các nhạc sĩ ngoài tỉnh viết về Bến Tre, viết về đồng bằng; sử dụng nhiều dòng nhạc: dân ca quê hương, tân cổ, nhạc trẻ và cả nhạc thính phòng; ngôn ngữ múa thể loại dân gian và đương đại; thủ pháp múa tạo ra các tổ hợp mang tính hình tượng tiêu biểu, đặc trưng của Bến Tre, của cây dừa, rừng dừa, con gái Bến Tre… Trang phục phong phú, trong đó, áo bà ba làm chủ đạo kết hợp nhiều trang phục theo phong cách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng  - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tỉnh, phía tác giả kịch bản - Công ty cổ phần Đối tác vàng DC sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa hoàn chỉnh các chi tiết kịch bản, lựa chọn xây dựng chương trình cho liền mạch, tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Trong đó, có cả phần giới thiệu hình ảnh về các dây chuyền sản xuất dừa, công nghệ tại các nhà máy chế biến dừa để thấy sự phát triển của chuỗi giá trị dừa, bởi hiện nay, sản phẩm dừa Bến Tre đã vươn lên có mặt trong các dây chuyền công nghệ hiện đại.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN