Các nội dung Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tt)

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội

11/08/2021 - 06:19

BDK - Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV đã thông qua Nghị quyết (NQ) về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

QH đã thông qua NQ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 2 sang Kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 9 dự án luật, 1 dự thảo NQ trình QH thông qua và 2 dự án luật trình QH cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được QH cho ý kiến 2 lần.

QH yêu cầu các cơ quan đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được QH thông qua; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ QH xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2; khẩn trương nghiên cứu để kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, NQ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, NQ của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

QH đã thông qua NQ về Chương trình giám sát và thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2022. Theo đó, bên cạnh các hoạt động giám sát tối cao theo quy định (xem xét báo cáo của các cơ quan, chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét kiến nghị giám sát…), QH sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại Kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” tại Kỳ họp thứ 4. Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ QH xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

NQ khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân, QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch như: áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch…

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri

Từ sau Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ QH đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử và báo cáo của MTTQ Việt Nam các cấp, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19, triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng... Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá trong điều hành để phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật.

Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN