Thanh toán trực tuyến tại homestay Maison du Pays de Bến Tre, huyện Giồng Trôm. Ảnh: PV
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án số 02-ĐA/TU. Đến năm 2025, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ngành VHTTDL&GĐ trên phạm vi toàn tỉnh; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa hoạt động quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực của ngành, du khách và người dân. Tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng đóng góp, chia sẻ, khai thác hệ thống thông tin chung. Đến năm 2030, phát triển nền tảng dữ liệu số phục vụ phát triển du lịch (DL) số, kết hợp với thương mại điện tử để hướng tới một ngành kinh tế thông minh phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các nội dung chuyển đổi số trong toàn ngành VHTTDL&GĐ, gồm: Xây dựng ứng dụng phần mềm sử dụng giải pháp thông minh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các việc giám sát quảng cáo điện tử trên địa bàn tỉnh, thực hiện dịch vụ công của thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia; quản lý công tác tập luyện, tổ chức thi đấu thể thao; kết nối liên thông thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về DL từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh. Xây dựng dữ liệu toàn ngành VHTT&GĐ để chuẩn bị kết nối và đồng bộ dữ liệu quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành VHTTDL&GĐ thông qua tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh cho cán bộ quản lý nhà nước về toàn ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng. Tổ chức tìm hiểu, phổ biến, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các điển hình tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành DL Việt Nam và thế giới, tập trung vào các đối tượng quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị quản lý khu, điểm DL, cộng đồng và các cá nhân thông qua các hình thức như hội thảo, khảo sát thực tế, cuộc thi. Lồng ghép các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong toàn ngành.
Riêng đối với ngành DL, chú trọng xây dựng các giải pháp về DL cho tất cả khách DL từ khi đặt chân đến và rời đi khỏi Bến Tre. Các giải pháp như: xây dựng ứng dụng nhắn tin tự động trên hệ thống DL thông minh Bến Tre, xây dựng hệ thống mạng wifi công cộng phục vụ du khách và các ứng dụng công nghệ thông minh nhằm quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ DL. Đầu tư cho việc xây dựng hệ thống mạng wifi công cộng phục vụ tại những địa bàn tập trung khách DL cũng như trung tâm TP. Bến Tre, địa bàn thị xã, thị trấn hoặc khu DL địa phương, nhất là tại 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích Đồng Khởi, Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu); các di tích và điểm đến DL trên tuyến đường trong tuyến DL tiêu biểu của tỉnh, nhằm giúp du khách không lệ thuộc vào những điều kiện tìm kiếm, mà tiếp cận hệ thống Internet, cũng như tiếp cận với tất cả các ứng dụng trong hệ thống DL thông minh Bến Tre nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó là các giải pháp xây dựng hệ thống các ứng dụng công nghệ thông minh, nhằm quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ DL. Phát triển đồng bộ hệ sinh thái DL thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý DL ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về DL. Xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách DL và các công nghệ mới khác nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với khách DL cũng như các điểm đến DL.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng thông qua hình thức DL trực tuyến như: Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), xây dựng video 360 độ phục vụ khách DL, kết hợp xây dựng và triển khai giải pháp DL qua hình ảnh đối với những di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của tỉnh phục vụ du khách. Lộ trình mỗi năm thực hiện số hóa 2 di tích và khảo sát hiệu quả mang lại từ ứng dụng để phát triển đến 100% các điểm đến DL trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2030. Lắp đặt một số màn hình thông minh tại những di tích cấp quốc gia trở lên, trạm thông tin DL, những điểm đến tập trung đông khách DL, trung tâm của TP. Bến Tre hay các thị trấn của các huyện có DL phát triển. Phát triển công cụ thuyết minh tự động trong Ứng dụng DL thông minh Bến Tre. Đồng thời, chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ DL tiêu biểu của tỉnh. Số hóa các di sản văn hóa qua công nghệ số, xây dựng thư viện dữ liệu di tích, lập hệ thống mã QR Code tại các di tích trọng điểm, nâng cấp ngân hàng dữ liệu các di sản văn hóa phi vật thể và trang web Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp DL với các chuyên trang có uy tín trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng thông qua hình thức DL trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến ở tất cả các điểm dịch vụ DL (ví điện tử, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code...).
T. Đồng