Chuyện người thương binh vượt khó

19/05/2011 - 15:40

Năm 1966, trong một trận chống giặc càn, ông bị thương cụt mất bàn tay trái, bàn tay phải chỉ còn ngón út. Niềm tin phải sống để làm việc và có ích cho đời đã giúp ông vượt qua khó khăn. Hơn 40 mươi năm qua, thương binh Lê Thành Ứng, thường gọi Tư Ứng (69 tuổi), ngụ tại ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) đã cặm cụi với việc ruộng vườn, nuôi sáu người con trưởng thành, có việc làm ổn định. Tại địa phương, ông Ứng là người tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương.

Ông Ứng đang bồi mương vườn. Ảnh: Đ.C

 

Đồng Khởi năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Lê Thành Ứng tham gia du kích tại xã nhà. Lòng nhiệt tình cùng tính năng động của tuổi trẻ đã giúp ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai năm sau, ông Ứng được đề bạt giữ chức vụ Tiểu đội trưởng du kích và hoạt động trong đội đặc công xã Tân Thành Bình. Thời gian này, ông Ứng đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận công đồn, phá ấp địch và nhiều trận đánh, chống giặc càn quét. Ông Ứng nhớ lại: “Hồi đó… khoảng đầu năm 1965, tôi cùng mấy anh em đặc công bám sát trục lộ giao thông, theo dõi đồn địch ở ấp Thành Hóa 1. Bộ đội ta ngụy trang, đắp pháo đài và bất ngờ nả súng vào đồn làm cho địch hoảng sợ bỏ chạy, ta thu nhiều chiến lợi phẩm. Sau đó, địch tăng cường viện binh, có cả máy bay trực thăng nhưng lực lượng ta đã rút lui an toàn”. Khoảng giữa năm 1966, địch mở trận càn ở Thành Hóa 2 với qui mô lớn, hỏa lực mạnh. Ông Ứng đang hăng say chiến đấu cùng đồng đội ở khu vực gần rạch Cái Sấu thì nghe một tiếng nổ lớn, sau đó ông không còn biết việc gì đã xảy ra. Lúc tỉnh dậy, ông Ứng mới biết mình bị thương và được đồng đội đưa xuống ghe tới trạm xá quân y huyện (xã Ngãi Đăng) để điều trị. Khi điều trị vết thương xong, ông được đơn vị đưa về quê nhà (ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình), được công nhận thương binh (loại 1/4). Năm 1967, ông Ứng cưới bà Đỗ Thị Mai (công tác phụ nữ ấp). “Tôi với bà xã có quen nhau trước và rất hãnh diện vì tình thương của bà dành cho tôi. Rất tiếc, bà đã mất năm 1993, sau cơn bệnh nặng” - ông Ứng xúc động.

Sau đó, vợ chồng ông cùng chăm chỉ lao động sản xuất. Ông Ứng tập tễnh với những việc: làm cỏ, bồi mương vườn, trồng tỉa… Lúc đầu những việc này đối với ông rất khó nhưng sau đó thì quen dần (ông Ứng làm cỏ bằng len, cán bằng gỗ có nhánh chìa ra hình chữ y dùng đưa cánh tay trái vào làm lực đẩy, ngón út của bàn tay phải khoèo vào phần cán ở gần lưỡi len; ông dùng thau nhôm để múc bùn bồi mương). Ông bà lần lượt có được 6 người con (4 trai, 2 gái), các con của ông lớn dần và cùng phụ đỡ đần với cha mẹ. Từ 5 công đất của cha mẹ ruột cho, ông bà đã chắt chiu dành dụm mua thêm được 2 công đất. Hiện 4 người con trai của ông đã có gia đình, được ông cho đất, cất nhà ở riêng; 2 người con gái, một người là công nhân ở TP.HCM, một người là giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Tư (xã Tân Thành Bình).

Tại nơi cư ngụ, ông Lê Thành Ứng rất nhiệt tình tham gia các phong trào, được bà con trong Tổ NDTQ số 15 (ấp Thành Hóa 2) tín nhiệm bầu làm Tổ phó Tổ NDTQ và là Tổ trưởng tổ hội người cao tuổi nhiều năm liền. Ông Tư Phương, đảng viên, Tổ trưởng tổ NDTQ số 12 cho biết: “Ông Ứng bị cụt tay vậy chớ… rất nhiệt tình tham gia cùng bà con làm lộ nông thôn. Hai cánh tay ông bưng thau bùn đổ xuống rồi lấy chân gạt bùn, khỏa đều ra trông rất thuần thục”. Trưởng ấp Thành Hóa 2 Nguyễn Văn Biết, nhận xét: “Ở địa phương, mỗi khi chúng tôi tới nhà vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa hay quyên góp tiền làm lộ nông thôn, đều có mặt ông Ứng đi cùng và bà con rất nhiệt tình hưởng ứng”.

Hiện tại, ông Lê Thành Ứng đã 69 tuổi. Niềm vui của người cựu chiến binh, thương binh (loại 1/4) này là được vui vẻ sống cùng con cháu và góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

ĐỨC CHÍNH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN