BDK.VN - Cách mạng Tháng Tám thành công 19-8-1945, cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam được thành lập. Ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của CAND đều có chung nhiệm vụ là trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Về sau, ngày 19-8-1945 được xác định là Ngày truyền thống CAND Việt Nam.
Đại tá Trương Sơn Lâm - Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an năm 2023. Ảnh: CTV.
Nêu cao ý chí tiến công cách mạng
Ở Bến Tre, ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25-8-1945 tại Dinh Tỉnh trưởng (nay là Bảo Tàng tỉnh), Lực lượng Công an Bến Tre được Tỉnh ủy quyết định thành lập với tên gọi “Quốc gia tự vệ cuộc”. Ngày 1-4-1946 đổi tên thành Công an Ty, đầu năm 1947 là Ty Công an; cho đến giai đoạn chống Mỹ tiếp tục đổi tên thành “Ban bảo vệ an ninh Bến Tre” rồi “Ban an ninh tỉnh Bến Tre”; sau 30-4-1975 là Ty Công an; từ năm 1981 đổi tên thành Công an tỉnh cho đến ngày nay.
Giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an Bến Tre luôn nêu cao ý chí tiến công cách mạng, mưu trí dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ cách mạng, cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Nhiều cán bộ chiến sĩ Công an bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ khí tiết, nêu cao khí phách kiên cường, anh dũng, thà hy sinh quyết bảo vệ sự an toàn các đồng chí lãnh đạo và bảo vệ phong trào cách mạng.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tình hình chiến sự giữa địch với ta ở địa bàn Bến Tre rất ác liệt, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng dâng lên mạnh mẽ, buộc địch phải tập trung lực lượng đối phó. Lực lượng An ninh Bến Tre đã kiên trì bám trụ, dũng cảm chống Luật 10/59, đập tan chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh của quần chúng, làm nên cuộc Đồng Khởi thần kỳ, vang dội khắp cả nước, góp phần cùng quân và dân Miền Nam đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Mặt khác, Bến Tre còn là địa bàn đóng quân của nhiều cơ quan kháng chiến như: Căn cứ Y4 của Sài Gòn Gia Định, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Do đó, địch tập trung lực lượng, mở nhiều trận càn quét vào vùng giải phóng, dựng lên các “Khu trù mật”, xây dựng hàng trăm ấp chiến lược, sử dụng nhiều vũ khí tối tân, chất độc hóa học …; rải mật báo khắp nơi để kìm kẹp, đàn áp, khống chế dồn dân vào “Ấp chiến lược”, hòng hủy diệt cơ sở, bóp chết phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bến Tre, lực lượng An ninh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang đấu tranh làm thất bại các chiến dịch, cuộc tấn công của địch, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan kháng chiến và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trong kháng chiến, Khu ủy Khu 8 đã chọn xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre làm điểm tiếp nhận vũ khí chi viện từ Bắc vào Nam. Tại đây, lực lượng Công an đã làm tốt công tác bảo vệ và vận động hơn 1.000 lượt quần chúng tham gia bốc dỡ, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí đến nơi an toàn.
Tô thắm truyền thống quê hương Đồng Khởi
Ngay từ những ngày đầu giải phóng, bắt tay vào nhiệm vụ mới với muôn vàn khó khăn, thử thách; lực lượng Công an tỉnh nhà đã tích cực phối hợp với Quân đội và các lực lượng khác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện hàng loạt nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ thành quả cách mạng, giáo dục cải tạo hàng chục ngàn ngụy quân, ngụy quyền; truy bắt trên 1.000 đối tượng trốn trình diện; khám phá gần 100 nhóm phản động, trong đó có nhiều nhóm hoạt động với quy mô lớn, tính chất rất manh động nhằm gây bạo loạn, vũ trang, lật đổ chính quyền nhân dân.
Sau gần 40 năm đổi mới, đứng trước những khó khăn, thử thách mới, trước âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và bọn phản động; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng quân đội và các cơ quan, ban, ngành, lực lượng Công an tỉnh nhà đã chủ động đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự,… Chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hình sự, ma túy, tín dụng đen, lưu manh, côn đồ; không để hình thành tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, sử dụng “vũ khí nóng”; ngăn chặn, kiềm chế các loại tai nạn, tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Từ khi ra đời đến nay, trong bất kỳ tình huống, điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng CAND nói chung và Công an tỉnh nhà nói riêng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Một lòng son sắt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Công an Bến Tre đã lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND và quê hương Đồng Khởi anh hùng. Với những chiến công đó, Công an Bến Tre đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó, có 12 tập thể và 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn tập thể, cá nhân được phong tặng huân, huy chương, Cờ thi đua xuất sắc và bằng khen của lãnh đạo các cấp.