
Đoàn công tác Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát đánh giá hiện trạng các lò than thiêu kết tại Cồn Linh, xã Thạnh Phú Đông.
Thành lập 2 tổ giám sát cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ một lò đốt than thiêu kết ở Cồn Linh, xã Thạnh Phú Đông cho biết, ông làm nghề sản xuất than thiêu kết trên 25 năm qua, đã sử dụng trên diện tích 4 công đất vườn nhà và thuê mướn thêm một ít đất của các hộ xung quanh. Cơ sở của ông tiêu thụ trung bình khoảng 700 - 1.000 tấn gáo dừa nguyên liệu, xuất từ 400 - 500 tấn than thành phẩm/tháng, chủ yếu tiêu thụ cho các đối tác tại tỉnh Trà Vinh và doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành. Cơ sở của ông đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động địa phương, mỗi lao động thu nhập trung bình vài trăm ngàn đồng/ngày tùy mùa vụ. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào giá cao nhưng đầu ra sản phẩm không ổn định nên khó khăn hơn trước đây.
Thời gian qua, cơ sở đã cố gắng duy trì hoạt động để tạo việc làm cho người lao động đã gắn bó nhiều năm qua. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều lần các cơ quan chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở, cơ sở cố gắng khắc phục nhưng hiện chưa có mô hình nào xử lý triệt để nên tạm thời làm theo công thức cũ, tức dùng hệ thống phun nước, đưa ống khói cao hơn trước đây và một số giải pháp đồng bộ khác nhưng chỉ hạn chế phần nào ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: Nếu như cấp trên có mô hình hay hệ thống nào mới thì bà con ở đây sẽ áp dụng ngay để giảm lượng khói phát tán ra bên ngoài, tránh ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Hiện toàn xã Thạnh Phú Đông có 12 cơ sở, 2 công ty sản xuất than thiêu kết, với tổng số 237 lò, tập trung ở 2 khu vực 3 ấp gồm: Ấp 3 có 3 cơ sở với 48 lò, Ấp 5 có 9 cơ sở với 151 lò, Ấp 6 có 4 cơ sở với 38 lò. Trong đó, đã có 9 cơ sở có đăng ký và được UBND huyện cấp giấy xác nhận đăng ký hồ sơ môi trường. Các cơ sở còn lại đã đăng ký nhưng chưa được cấp với lý do chưa hoàn thiện quy trình xử lý chất thải, mục đích sử dụng cơ sở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Thời gian qua, các cơ sở sản xuất than thiêu kết theo hình thức đốt thủ công.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, hầu hết các cơ sở hoạt động đều có xây dựng hệ thống xử lý khói thải. Tuy nhiên, phần lớn không vận hành hoặc vận hành để đối phó với các đoàn kiểm tra. UBND xã đã mời các chủ cơ sở sản xuất than thiêu kết và người dân xung quanh 2 khu vực này để thành lập 2 tổ giám sát cộng đồng, cùng chính quyền địa phương giám sát hoạt động xả khói thải tại các cơ sở kịp thời phản ánh về huyện xem xét xử lý. Thường xuyên phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan.
Cần công nghệ xử lý khói bụi
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông Nguyễn Văn Chờ cho biết, hiện nay, tại xã có nhiều lò đốt than thiêu kết hoạt động, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nhất là vào mùa gió Nam làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Các cơ sở tuy có xây dựng hệ thống xử lý khói nhưng không hiệu quả. Hoạt động kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn, do chủ cơ sở có nhiều hình thức đối phó, thiếu dụng cụ phục vụ kiểm tra.
“Các ngành chức năng sớm phối hợp có công nghệ xử lý khói có hiệu quả để vận động các cơ sở xây dựng. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, nếu cần thiết thì cho ngưng hoạt động” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chờ kiến nghị.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nhân, từ tháng 10-2019 đến đầu tháng 8-2020, đoàn kiểm tra của huyện tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sản xuất than thiêu kết trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông (trong đó có 2 tổ chức và 4 cá nhân), đã thu 23 mẫu khí thải tại các vị trí xả thải. Qua đó, UBND huyện lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền 1,68 tỷ đồng, do đã xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Ngoài ra, từ năm 2019 huyện đã kiểm tra và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý vi phạm 3 cơ sở khác với số tiền 150 triệu đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã xử lý 9 cơ sở với tổng số tiền 1,83 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân, về công nghệ mới xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động các lò đốt than thiêu kết, hiện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đang làm 1 đề tài sử dụng các chất soda để hấp thụ và chuẩn bị đưa vào nghiệm thu ở Phong Nẫm. Nếu thành công mô hình này có thể phổ biến ra toàn huyện để người dân áp dụng. Hiện ở Bình Định cũng có doanh nghiệp có dự án muốn tham gia vào lĩnh vực này, đã chọn 3 hộ tham gia. Huyện nên tiếp nhận sau khi hoàn thành mô hình. Sở sẽ hỗ trợ huyện 1 dự án lớn hơn. Nếu mô hình có hiệu quả thì sẽ sử dụng ngân sách để tiếp tục đầu tư.
Theo Văn bản số 6215, ngày 28-12-2018 của UBND tỉnh, về việc giải quyết ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh than thiêu kết thì các địa phương cần rà soát, thống kê và buộc các cơ sở cam kết không xây dựng thêm lò mới. Các cơ sở khi nâng cấp, xây dựng lại lò cũ phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường mới được phép hoạt động. Phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến hết năm 2021 buộc phải chấm dứt, không còn các cơ sở sản xuất than thiêu kết không thỏa các điều kiện về sử dụng đất, giấy xác nhận về môi trường và hoạt động phát thải khí gây ô nhiễm. |
Bài, ảnh: Hữu Hiệp