Cùng thắp lên ánh lửa tình thương

30/10/2009 - 08:13
Ông Lê Huỳnh đi khảo sát trẻ bệnh tim tại huyện biển Thạnh Phú. Ảnh: P.L.H.H.

Ông Lê Huỳnh ưu tư: “Một gia đình nghèo chẳng may sinh ra cháu  nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, không tiền chữa trị, bệnh kéo dài thì khổ biết dường nào! Nhiều trường hợp cha mẹ không có tiền đành phải ôm con chờ chết. Nhiều hoàn cảnh thật thương tâm!”.
Ông Lê Huỳnh nay sắp bước vào tuổi cổ lai hi, vậy mà ông vẫn lặn lội khắp vùng sâu để khảo sát số trẻ bị bệnh tim. Khảo sát xong, ông lại đi vận động khắp nơi để có tiền mổ tim cho các cháu đang thấp thỏm đợi chờ.

Đã hưu nhưng không nghỉ

Ông Lê Huỳnh tên thật Huỳnh Văm Cam, quê xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Thời ông làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông luôn dành một phần quan tâm đặc biệt  lo cho người nghèo. Năm 2001, khi đến tuổi về hưu, ông vẫn đi tiếp con đường phục vụ của mình theo một cách khác, từ trái tim đến những trái tim. Ông Lê Huỳnh sau khi về hưu vẫn là chủ tịch: Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre (Hội BTBNN&NTT-BT).

 Hội BTBNN&NTT-BT thành lập năm 2003. Hiện hội có trên 800 hội viên với Ban Chấp hành hơn 50 vị là các cán bộ đương chức, cán bộ về hưu, các tôn giáo, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội…Với các chi hội BTBNN&NTT tại các huyện, lửa tình thương cũng được nhóm lên từ lòng nhiệt huyết của các vị đã về hưu như ở Tỉnh Hội. Chi hội BTBNN&NTT huyện Thạnh Phú với ông Bùi Văn Phương (Năm Phương), nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, hiện là Chủ tịch Chi hội. Ông Năm Phương nay tuổi đã gần 80  vậy mà ông vẫn đi khắp nơi trong huyện, xuống tận vùng sâu, vùng xa để làm nhịp cầu nối mọi tấm lòng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tại Chi hội BTBNN&NTT huyện Chợ Lách thì có ông Ba Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, là Chủ tịch Chi hội. Giồng Trôm có ông Lê Văn Trương (Năm Lê), nguyên Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, Chủ tịch Chi hội. Bình Đại với Chủ tịch Chi hội BTBNN&NTT huyện là ông Nguyễn Văn Ron, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Đại…Tất cả các vị trên đều hoạt động tự nguyện, tự nguyện từ tổ chức cho đến tự nguyện đề ra các phương hướng hoạt động cho chi hội mình. Nhiều người nói vui: “Các ông ấy đã ở vào hàng U 60, U 70, vậy mà vẫn đi đứng, làm việc năng nổ như lớp người U 40, U 50. Hay thật!”. Thực vậy, các vị ấy đã trải qua cuộc chiến tranh gan góc, rồi phục vụ nhân dân đến ngày về hưu. Khi về hưu, ở tuổi xế chiều, vẫn tiếp tục lo cho người nghèo với đầy trách nhiệm, tình thương.

Từ trái  tim đến những trái tim

Qua vận động của ông Lê Huỳnh, phòng khám – điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo thuộc Hội BTBNN&NTT-BT (số 39/2 đường Đoàn Hoàng Minh, phường 5, thị xã Bến Tre) đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 10-2003. Phòng khám có hơn 20 bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre và các bác sĩ tại TP Bến Tre đăng ký tình nguyện làm việc không nhận thù lao. Tại phòng khám và cũng là nơi làm việc của Ban Thường trực Hội BTBNN&NTT-BT, ông Lê Huỳnh, ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch Hội, bác sĩ Trần Văn Quang, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Vân, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình, dược sĩ Hồng Hạnh, ông Sĩ Hoàng, bộ đội xuất ngũ, làm việc với tinh thần thiện nguyện.

Trong các chương trình hoạt động trọng tâm của hội, ông Lê Huỳnh đặc biệt bức xúc với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Mở đầu cho chương trình vận động hỗ trợ mổ tim cho các cháu vào cuối năm 2003, ông đã đi khảo sát số trẻ bị bệnh tim khắp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ tại Bến Tre. Qua khảo sát, ông thật bàng hoàng khi biết hiện ở tỉnh nhà còn hàng trăm trẻ cần được mổ tim kịp thời, mà như chúng ta biết, mỗi ca mổ tim phải cần chi phí 40-50 triệu đồng. Ông Lê Huỳnh đau đáu: “Không tiền là chết, có tiền chậm cũng chết! Có trường hợp trẻ bị bệnh tim rất nặng, cần phẫu thuật ngay, nhưng khi nhập viện, gia đình gom góp tất cả chỉ được…120.000 đồng!”.

Những tấm lòng vàng đã gởi niềm tin đến hội để lo cho bệnh nhân nghèo có thể kể ra như Công ty Thuốc lá Bến Tre. Khi nhận huân chương, Công ty xin phép không nhận hoa, quà mà xin được nhận tiền để giúp cho bệnh nhân nghèo. Các bến phà trong tỉnh tự tổ chức đặt thùng từ thiện, người hảo tâm qua lại phà góp vào để mổ tim cho các cháu. Ông Lâm Văn Hoàng (định cư ở Mỹ) về quê tổ chức đám cưới cho con đã gởi toàn bộ số tiền mừng cưới đến hội để mổ tim cứu sống một em ở Mỏ Cày.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Triển, người con quê hương huyện Bình Đại, Bến Tre hiện công tác tại TP HCM, đã hỗ trợ tiền cho nhiều ca mổ tim, trong đó có  cháu Nguyễn Trường Duy (ấp Long Huê, xã Long Thới, Chợ Lách). Cháu Duy lúc mổ tim mới 3 tuổi, nay đã học lớp 2. Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Triển cũng là người ngay buổi đầu đã hỗ trợ 450 triệu đồng giúp hội xây dựng phòng khám, điều trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo rồi tiếp tục hỗ trợ thêm số tiền lớn giúp hội mua máy mổ mắt PHACO hiện đại để mổ mắt tại địa phương cho bệnh nhân nghèo.

Bà Phạm Thị Nĩ (bà Sáu Hòa), cán bộ hưu trí, nay gần 80 tuổi hiện sống tại Trung tâm xã hội tỉnh Bến Tre. Năm 2004, bà đã bán nữ trang kỷ niệm của bà, gởi đến hội 20 triệu đồng. Số tiền này đã hỗ trợ phẫu thuật tim cứu sống em bé mồ côi Trần Thị Thủy (Mỏ Cày). Chưa dừng lại ở đó. Năm 2007-2008, bà tiếp tục dành dụm được 30 triệu đồng rồi đem đến hội để mổ tim cho em Trần Phạm Ngọc Lan Anh, 2 tuổi (xã An Bình Tây, Ba Tri), con của một bộ đội phục viên, gia đình rất nghèo.

Nhiều gia đình có người thân qua đời, dành tiền phúng điếu ủng hộ các chương trình của hội như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (phường 7), bà Nguyễn Thị Đào (phường 8), ông bà bác sĩ Trương Hữu Nhân – Huỳnh Lan (phường 1), bà Trần Thị Bạch Tuyết (xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc), ông Bùi Quang Lâm (Tiền Giang), bà Nguyễn Thu Ánh và Nguyễn Thanh Vân (Q.6, TPHCM), ông bà Trần Văn Cường (Q1, TPHCM); ông André Menras (Pháp), bà Karoline (Pháp), bác sĩ Onishin (Nhật) và nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân khác trong, ngoài nước cũng đã góp sức cùng hội lo học bổng cho học sinh nghèo, cứu sống hàng trăm trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.

Uy tín của một hội từ thiện

Sáu năm qua, để lo cho bệnh nhân nghèo, hội đã vận động từ các nguồn trên 60 tỷ đồng để đem lại ánh sáng cho trên 11.000 người được mổ mắt đặt thủy tinh thể miễn phí (trên 10 tỷ đồng), hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho 330 trẻ em (trên 16 tỷ đồng) và chi hàng chục tỷ đồng cho chương trình khám cấp thuốc, điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo (hơn 140.000 lượt người trên toàn tỉnh); hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên mồ côi, khuyết tật và trẻ em sau mổ tim (gần 1.000 suất và 130 xe đạp); hỗ trợ bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trong tỉnh (mỗi ngày trên 1.000 suất ăn); hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật (1.765 chiếc) và hỗ trợ các chương trình khác như xây nhà tình nghĩa, tình thương, mái ấm trái tim (trên 200 căn)… Trong chương trình mổ tim, Hiệp hội doanh nhân Đức đã hỗ trợ hội phẫu thuật tim cho trên 100 trẻ em tại Bến Tre. Có lần, tôi cùng ông Claus Ruff, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Đức, ông Lê Huỳnh và phái đoàn bác sĩ đi khảo sát một trường hợp trẻ bị bệnh tim, gia đình rất nghèo ở cồn Đất (xã An Hiệp, Ba Tri). Đến đúng địa chỉ cần giúp đỡ, ông Claus Ruff thật xúc động khi biết trước đó ông Lê Huỳnh cũng đã lặn lội đến đây để lập hồ sơ chính xác cho trường hợp này. Và với nhiều bệnh nhân tim khác cũng vậy, dù ở nơi xa xôi cách trở cho mấy, ông Lê Huỳnh tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn đến tận nơi để khảo sát, lập hồ sơ, tìm cách cứu trẻ…

 Một hôm tôi đến hội, thấy hồ sơ nằm chồng chất trên bàn làm việc của  bác sĩ Mai Vân, tiếp tôi, bác sĩ cho biết: “Đây là công việc hàng ngày ở hội: quyết toán với nhà tài trợ. Ví như với một ca mổ tim, nhà tài trợ thường giúp 70%, số tiền còn lại do gia đình bệnh nhân và hội góp thêm vào. Nhà tài trợ sẽ trực tiếp trả tiền phần mình lo cho bệnh viện hoặc hội lấy hóa đơn rồi kết toán lại với nhà tài trợ. Về mổ mắt, bệnh nhân được mổ mắt xong, hội lập từng hồ sơ gởi cho nhà tài trợ với ảnh chụp mắt bệnh nhân được mổ, số implant (thủy tinh thể nhân tạo) đặt cho mắt bệnh nhân. Trao học bổng, trao xe lăn, nhà tình nghĩa, tình thương…hội mời nhà tài trợ trực tiếp trao hoặc chụp ảnh gởi lại cho nhà tài trợ nếu họ vắng mặt…”. Quả vậy, để nhà tài trợ tin tưởng thì hội phải thực hiện các chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần giúp đỡ một cách minh bạch, rạch ròi từng trường hợp một.

Những kết quả trên cho thấy uy tín của Hội BTBNN&NTT-BT trong vận động các nguồn tài trợ giúp bệnh nhân nghèo mà ở đây, hội còn là nhân tố đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại tỉnh nhà. Trong thư giới thiệu ông Lê Huỳnh là ứng viên giải ITOGA (Nhật Bản – về những cống hiến cho trẻ tàn tật tại châu Á) năm 2002, bác sĩ  Kiyoshi Takaya, nguyên Chủ tịch Hội trợ giúp  trẻ em Việt Nam của Nhật Bản, viết: “Tôi có hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, nhất là tại Bến Tre. Tôi đánh giá cao những gì ông Lê Huỳnh đã làm cho trẻ em Bến Tre. Thật tuyệt vời”. Năm ấy, ông Lê Huỳnh là một trong ba người ở  châu Á vinh dự nhận giải thưởng cao quí này.

Phan Lữ Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN