Cuty (Pleiku) - trở về tìm lại dấu xưa

14/12/2016 - 07:06

Các cựu tù chính trị Bến Tre được đón từ sân bay Pleiku về nhà khách Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: H-A

Lịch sử các nhà tù của thực dân, đế quốc trên khắp cả nước qua 2 cuộc kháng chiến có nhiều cuộc vượt ngục tập thể của những chiến sĩ cách mạng. Nhưng cuộc vượt ngục của gần 100 tù nhân chính trị ở Pleiku năm 1958 là sự kiện điển hình được ghi trong lịch sử kháng chiến của Nam Bộ, xứng đáng được xem là một kỳ tích trên vùng đất Bắc Tây Nguyên anh hùng.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức ngục tù dần lùi xa về quá khứ và cựu tù năm xưa người còn ít, người mất nhiều. Nhưng lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất, gan dạ, dũng cảm, niềm tin son sắt vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng “nằm gai nếm mật” xả thân vì Tổ quốc của những cựu tù mãi là tấm gương sáng ngời.

Duyên cớ chuyến đi

Trở về từ Đại hội VI Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tôi bắt đầu biên tập hồi ức “Trăm trận đánh - một lối về” của Đại tá Phạm Minh Thảo. Chưa kịp sắp đặt trục dọc dàn ý thì bất ngờ nhận được cuộc gọi của nhà báo lão thành Lê Chí Nhân - chủ biên tập sách vượt ngục Cuty: “Thông báo tin vui. Tỉnh bạn Gia Lai đồng thuận lập hồ sơ, được Hội đồng thi đua Quân khu V thống nhất chuyển hồ sơ ra Hội đồng thi đua Trung ương đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể tù chính trị vượt ngục Cuty năm 1958. Tôi vừa dự họp ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre, bàn thảo xin chủ trương tổ chức chuyến trở về thăm Pleiku cho các cựu tù chính trị tỉnh từng tham gia sự kiện lịch sử ở trại tù Cuty. Tôi đi xa không nổi, còn Thiếu tướng anh hùng Nguyễn Hữu Vị thì dưỡng bệnh sau cuộc đại phẫu. Anh sắp xếp thời gian cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cựu tù chính trị đi một chuyến trở về Pleiku với ngày đi, ngày ở, ngày về bằng phương tiện hàng không quốc gia thuộc hãng Vietnam Airlines”.

Nhận thông tin từ nhà báo lão thành, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là sau chuyến đi dài ngày ngược đường thiên lý dọc dài miền Trung đến với phố cổ Hội An và kinh đô Phú Xuân xưa dự trại sáng tác văn học, tôi trải nghiệm một ngày đàng bớt đi nửa sàng dại, nay có thêm cơ hội đến với Bắc Tây Nguyên - vùng đất anh hùng gắn liền phần đời đặc biệt của nhiều tù nhân chính trị Bến Tre trước Đồng khởi 1960. Là cư dân đồng bằng Nam Bộ, tôi biết một phần cao nguyên qua sách báo và điện ảnh, nên háo hức cùng đoàn đặt chân lên phố núi, vùng đất bazan màu mỡ, lần nữa thêm cảm nhận “đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”.

Gia Lai - Kon Tum, cửa ngõ phía Bắc của nóc nhà Đông Dương, căn cứ địa nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ - vùng đất nóng bỏng trong mưa bom bão đạn từ những trận đánh lớn của các đơn vị chính quy thuộc quân giải phóng đối đầu với các binh chủng, quân chủng chủ lực của Quân lực Việt Nam cộng hòa và quân đội Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Gia Lai - Kon Tum, quê hương của anh hùng Núp, nguyên mẫu “Đất nước đứng lên”, biểu tượng bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên, dải đất đau thương nhưng thật đáng tự hào. Ba mươi năm chiến đấu không ngưng nghỉ, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên chiến trường đã nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất trước quân thù, tỏ rõ tấm lòng thủy chung son sắc đối với cách mạng, một lòng tin yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng. Niềm tin ấy đã giúp đồng bào và chiến sĩ vượt qua muôn trùng khó khăn gian khổ, lập nên những làng chiến đấu anh hùng, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm như Sơtơr, Soáp Dùi, Đak Uy, xã Gào… những pháo đài của lòng yêu nước mà không vũ khí nào của Pháp, Mỹ có thể khuất phục.

Ghi đậm chiến công trên những con đường, mỗi ngọn núi, mỗi dòng suối, mỗi buôn làng. Những đường chiến lược số 7, 14, 19, những đỉnh đèo Mang Yang, An Khê, những thung lũng Ia Drăng, Chư Pông, Sa Thầy, những cánh rừng Pleime, Đức Cơ và vùng đồi núi Đak Tô, Tân Cảnh, Phú Túc, Cheo Reo, biết bao tên đất, tên làng của Bắc Tây Nguyên hóa thành tên của những chiến công lừng lẫy.

Gia Lai ngày nay, đầu thế kỷ trước có tên gọi Pleiku, đồi núi điệp trùng hùng vĩ, giữ vị trí chiến lược quan trọng ở cao nguyên. Vùng đất anh hùng này có nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Gia Rai, Ba Na, Kinh và nhiều dân tộc thiểu số chung sống hòa bình, đoàn kết chống kẻ thù trong chiến tranh, hòa thuận trong xây dựng trên đường phát triển và hội nhập.

Phần lo của tôi là tham gia hành trình tìm lại dấu xưa không phải là chuyến du khảo chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ thú, vẻ đẹp vùng miền. Tự mình nhận thấy phần việc mà Thiếu tướng anh hùng Nguyễn Hữu Vị và nhà báo lão thành Lê Chí Nhân tin tưởng gởi gắm cử đi. Trước ngày tái khám ở Bệnh viện Thống Nhất, Tướng Vị gọi tôi đến mà rằng: “Chú mày cùng anh em Ban Tổ chức Tỉnh ủy hộ tống các cựu tù đi đến nơi về đến chốn. Qua chuyến đi để có cái nhìn rõ hơn về vùng đất anh hùng, về sự kiện vượt ngục, có cơ sở điều chỉnh bổ sung khi tái bản tập sách. Góp sức tham mưu dựng tượng ở Pleiku, dựng phim ở Bến Tre xứng tầm với kỳ tích vượt ngục Cuty, vượt trại Srépok của tập thể tù chính trị trở về với đội ngũ cách mạng”.

Lời căn dặn của Tướng Vị rõ, gọn như phong cách ra mệnh lệnh có từ cuộc đời binh nghiệp. Cơ hội thứ hai đã đến, tôi không để vuột như lần thứ nhất. Lần đó năm 2012, anh Nguyễn Quốc Bảo còn đương nhiệm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy mời tôi đi Pleiku. Tôi thật sự nuối tiếc khi từ chối lời mời chỉ vì lý do duy nhất là bận theo chân nhà văn Nguyễn Hồ điền dã lần tìm chân dung người du kích cho bộ phim “Du kích xứ Dừa”.

Tìm lại dấu xưa

Hạ tuần tháng 11-2016, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến cùng đoàn cựu tù trở về “chiến trường xưa” ở Pleiku. 83 tù nhân chính trị của tỉnh tham gia nổi dậy ở phi trường Chưdrông, vượt ngục Cuty (Pleiku) năm 1958, bây giờ có 9 cụ còn sống, đều trên 80 tuổi. Đến ngày khởi hành chỉ có 3 cụ đến phi trường Tân Sơn Nhất làm thủ tục lên máy bay, trong đó cụ Lê Văn Quyền phải đi xe lăn, cụ Võ Hữu Cộng tóc bạc phơ, lãng tai, chân yếu, lần đầu được đi máy bay nên phấn khởi và tự hào, riêng cụ Trần Hoành (cận vệ Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn) dáng vẻ còn khỏe mạnh.

Chủ nhà Gia Lai đón khách Bến Tre như đón người thân ở phương xa lâu ngày trở về hội ngộ, mến khách, khánh quý chân tình. Thâm tình đặc biệt giữa Gia Lai và Bến Tre xuất phát từ sự kiện đặc biệt: Nổi dậy Chưdrông, vượt ngục Cuty (Pleiku) của tập thể tù chính trị Bến Tre năm 1958 - một kỳ tích anh hùng trên vùng đất Bắc Tây Nguyên anh hùng, bất khuất, chủ nhà Gia Lai tiếp đón trọng thị, chăm sóc tận tình, đưa đón chu đáo, hỗ trợ tối đa cho các cựu tù “trở lại chiến trường xưa”. Điểm đến đầu tiên là nhà lao Pleiku (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) - nơi từng dừng chân của tù chính trị Bến Tre trước khi chúa ngục phố núi phân loại cấp độ nguy hiểm của tù nhân để tiếp tục đưa đi đày ở những nhà lao khác hoặc đưa đi phục dịch khổ sai ở công trường Cuty - Chưdrông.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cùng các cựu tù dâng hương ở bia tưởng niệm nhà lao Pleiku, dâng hoa tượng đài Bác Hồ ở quảng trường trung tâm. Các cựu tù và khách Bến Tre còn được chủ nhà Gia Lai hướng dẫn, đưa đón trên chặng đường 70km về huyện Đức Cơ (trước đây thuộc huyện Chư Prông) để tìm lại dấu xưa ở đồi Cuty và phi trường Chưdrông…

Năm mươi tám năm trôi qua có quá nhiều đổi thay về địa hình, địa vật. Hai bên đường 19 ngày xưa là rừng cây, đồi núi. Các cựu tù đâu ngờ nơi rừng thiêng ngày xưa mà giờ đây quá lạ bởi sức lan tỏa của xu hướng đô thị hóa cụm dân cư. Dù quá lạ lẫm bởi cảnh vật đổi thay, nhưng các cựu tù vẫn nhận ra đồi Cuty. Theo hướng tay chỉ của cụ Võ Hữu Cộng và Trần Hoành thì chân đồi gần dòng suối là những nhà tranh trong vòng rào quản thúc những tù nhân chính trị phục dịch khổ sai, chịu sự canh phòng nghiêm ngặt của đội quân thường trực người dân tộc. Xa xa chếch về hướng Tây hai bên đường 19 là đồng bào di cư Quảng Nam, Quảng Ngãi… Cán bộ địa phương đi cùng đã xác định trí nhớ chính xác của các cựu tù. Xe di chuyển theo quốc lộ 19 về hướng Tây độ mười lăm phút thì đến phi trường dã chiến Chưdrông. Vậy mà năm xưa các cựu tù hàng ngày phải đi bộ mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi để phá rừng, canh phòng thú dữ, sang đắp mặt bằng xây dựng phi trường. Nơi đây bây giờ là doanh trại và thao trường huấn luyện của một đơn vị quân đội, nhưng vẫn còn giữ nguyên một góc của phi trường ngày xưa. Các cựu tù không ngờ vết xe lăn và những đôi chân gối mỏi chậm chạp hôm nay đặt trùng lên những bàn chân thời trai trẻ ngày xưa ở mảnh đất mình bị lưu đày, lao động khổ sai và nổi dậy vượt ngục… phải mất 58 năm! - một vòng luân hồi khắc nghiệt của thời gian, nhưng có hậu.

Đứng trên góc phi trường ngày xưa, các cựu tù nhìn về hướng Tây và Tây Nam. Tầm nhìn các cụ không còn xa bởi thị lực tỷ lệ nghịch với số tuổi, lờ mờ nhận ra những ngọn núi, cánh rừng mà cựu tù từng đặt chân đi phục dịch hoặc thoát khỏi ngục tù, “hành quân” về hướng biên giới. Các cụ yên lặng, suy tư quay về miền ký ức. Cụ Trần Hoành xúc động kể tóm tắt diễn biến cuộc nổi dậy của tù chính trị ở phi trường Chưdrông và công trường Cuty, đồng tâm vượt ngục và đường hướng “rút quân”… Cụ Trần Hoành chân thành đề đạt nguyện vọng của tập thể cựu tù là nơi phi trường dã chiến nên có tượng đài của cuộc nổi dậy năm xưa. Cụ Hoành hy vọng Tỉnh ủy Bến Tre và Gia Lai đồng thuận nguyện vọng trên. Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam và Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến ghi nhận đề đạt chính đáng của cụ Trần Hoành.

Rời xa dấu xưa còn lại ở phi trường Chưdrông, đoàn cựu tù và khách cùng đi dừng lại bên chân núi Phượng Hoàng. Nơi đây cụ Hoành cho biết, Phượng Hoàng là núi đầu tiên mà anh em cựu tù phải vượt qua, rồi đi đến làng Sơn mua gạo vắng chủ của người dân tộc (tự lấy gạo, để lại tiền trước khi ra khỏi nhà), tiếp tục băng rừng, vượt suối đi về hướng biên giới. Điều cụ Hoành tâm đắc là tập thể vượt ngục mà đa phần là người Bến Tre (83/93) và ban lãnh đạo vượt ngục toàn là người Bến Tre. Cụ bảo rằng quê hương Đồng khởi, nghĩa tình trước sau, nên cụ xem Bến Tre là quê hương thứ hai của mình.

Xe đưa đoàn cựu tù và khách Bến Tre tiếp tục hướng về biên giới. Hai bên quốc lộ 19 bạt ngàn cao su, điều, hồ tiêu… và sắc vàng hoa dã quỳ chào đón khách phương xa. Xe di chuyển vài chục phút trên đường nhựa đã đến biên giới. Ấy vậy mà các cựu tù ngày xưa phải vượt đồi, vượt suối, băng rừng 3 ngày đêm gian nan mới vượt qua biên giới, tránh đòn truy kích của đối phương. Chủ và khách ghi vài kiểu ảnh lưu niệm tại trụ mốc 30 cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Trên đường tìm lại dấu xưa, mọi người không quên dừng chân dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ai nấy đều xúc động khi có quá nhiều bia mộ chưa được ghi danh như vết thương chưa lành của chiến tranh và lịch sử.

Xứng đáng với một sự kiện lịch sử

Trước ngày chia tay, đoàn Bến Tre vui mừng được Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tiếp đón với tình cảm kính trọng. Đặc biệt cụ Ngô Thành - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum - người từng lãnh đạo huyện Chư Prông và Đức Cơ ở thời điểm xảy ra sự kiện vượt ngục Cuty cũng đến mừng đoàn cựu tù và khách Bến Tre trở lại Gia Lai nghĩa tình. Cụ Ngô Thành -  một nhân chứng lịch sử, có cái nhìn tử tế, đánh giá đúng tầm vóc sự kiện vượt ngục Cuty và luôn ủng hộ chủ trương phối hợp giữa 2 Tỉnh ủy Gia Lai và Bến Tre có trách nhiệm đầy đủ đối với sự kiện tù chính trị Bến Tre lập kỳ tích trên vùng đất Gia Lai anh hùng. Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam cảm ơn và chúc sức khỏe cụ Ngô Thành, cảm ơn Tỉnh ủy Gia Lai đã đồng thuận lập hồ sơ đề nghị tuyên dương anh hùng cho tập thể tù chính trị vượt ngục Cuty 1958, cảm ơn chủ nhà Gia Lai đã đón tiếp nồng hậu, chăm sóc tận tình, chu đáo, tạo mọi điều kiện cho cựu tù tìm lại dấu xưa. Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn, và Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam ghi nhận nguyện vọng của cựu tù, để rồi đề đạt bàn thảo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho chủ trương phối hợp hoạt động dựng tượng, làm phim ghi dấu xứng tầm kỳ tích anh hùng vượt ngục Cuty, vượt trại Srépok, trở về với đội ngũ cách mạng.

Trước khi ra phi trường Pleiku trở về quê hương Đồng khởi, đoàn Bến Tre có dịp chiêm ngưỡng di tích thắng cảnh đẹp nhất Tây Nguyên - hồ Tơ-Nưng (biển hồ trên núi) cung cấp nước ngọt cho thành phố Pleiku, nằm phía Tây Bắc trên cao nguyên bằng phẳng cao khoảng 800m so với mặt nước biển. Hồ Tơ-Nưng là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm. Biển hồ trên núi rộng lớn bao quanh là rừng thông và núi. Vẻ đẹp hoang sơ của hồ Tơ-Nưng thật sự quyến rũ du khách thập phương. Nham thạch phun ra từ lòng đất thời xa xưa tạo ra vùng đất bazan màu mỡ của cao nguyên Gia Lai và trù phú cho phố núi Pleiku…

Tại phi trường Pleiku, chủ và khách bắt tay thật lâu, lưu luyến tiễn đưa, chờ đợi tin vui trong thời gian không xa và hẹn ngày hội ngộ.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN