Cựu chiến binh xây dựng hơn 200 cầu nông thôn

10/07/2023 - 06:41

BDK - Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Thiện (còn gọi là ông Tư Thẹn), năm nay 71 tuổi, ngụ ấp An Quới, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Tuổi già của ông Tư Thẹn chỉ mong được sức khỏe, tiếp tục vận động xây nhiều cầu trên quê hương, nhìn nông thôn sung túc, lòng ông rộn ràng phấn khởi.

Ông Nguyễn Tấn Thiện (người đứng, bìa trái) người vận động kinh phí và chỉ huy xây cầu nông thôn tại xã Định Thủy.

Ông Nguyễn Tấn Thiện (người đứng, bìa trái) người vận động kinh phí và chỉ huy xây cầu nông thôn tại xã Định Thủy.

Truyền thống yêu nước bất khuất của người Bến Tre được các thế hệ bền bỉ nối tiếp nhau kế thừa một cách xuất sắc, từ buổi đầu chống quân xâm lược, qua thời kỳ thành lập Đảng, rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Như mạch suối ngầm chảy ngày đêm trong lòng đất, truyền thống yêu nước vẫn chảy miệt mài trên mảnh đất Đồng Khởi cho đến hôm nay. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương âm thầm góp công sức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, như cựu chiến binh Tư Thẹn, người đã xây hơn 200 cầu nông thôn.

Ông Nguyễn Tấn Thiện chạy chiếc xe honda bám đầy bụi trắng đến gặp chúng tôi, trên chiếc xe kẹp cuốn sổ dày ghi ngày công của thợ. Ông Thiện đang coi thợ xây cầu nông thôn ở xã Định Thủy, lời lẽ của ông ít ỏi vô cùng. Ai hỏi tới đâu thì ông trả lời ngắn ngủn tới đó. Thế là từ hồi nhỏ, ông được bạn bè đặt là “Tư Thẹn” vì cái tính hay thẹn thùng, ít nói. Ấy vậy mà để thúc đẩy cho nhanh tiến độ vận động nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây cầu, lộ nông thôn, ông Tư Thẹn tập quay phim bằng điện thoại, thuyết minh nhu cầu xây dựng và tự chiết tính số tiền cần thiết, rồi gửi đến nhà tài trợ. “Mình quay hình ảnh thực tế, lên thiết kế, tự chiết tính rồi báo luôn số tiền cần có để nhà tài trợ người ta xét cho nhanh. Nhờ giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian nên bình quân chỉ trong vòng 1 tháng là được xét hỗ trợ, bà con mau có cầu mới đi lại; chứ còn làm hồ sơ, rồi gửi đi chờ xét thì mất nhiều tháng ròng...”, ông Tư Thẹn nói.

 Ông Tư Thẹn kể, ông làm quân báo 2 năm 1973 và 1974. Sau đó, ông làm cán bộ tuyên huấn xã, rồi nhận nhiệm vụ ở Đảng ủy xã Định Thủy. Đến năm 1990, ông cất nhà, nhờ phụ thợ làm nhà mà ông học luôn được nghề thợ xây. Những năm kinh tế khó khăn, ông thôi công tác ở địa phương đi làm thợ xây để nuôi gia đình. Năm đó, có nhà tài trợ muốn cho tiền bà con ấp An Quới xây cầu. Để không “vuột” suất tài trợ giúp bà con quê mình có cầu, đường đi lại dễ dàng, ông Tư Thẹn xung phong nhận làm. Ông đứng ra coi thợ, không nhận tiền công. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Ông Tư Thẹn hiện là hội viên Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh. Tiếng lành đồn xa, từ những cây cầu làm từ thiện không nhận tiền công, thế là ở Định Thủy và các xã lân cận chỗ nào có cầu nông thôn xuống cấp, người dân cứ chỉ nhau tìm đến ông Tư Thẹn. Tổng số cầu nông thôn ông Tư Thẹn đã vận động xây dựng từ năm 2020 đến nay là hơn 200 cây. Riêng năm 2022 - 2023, ông đã xây 96 cây cầu, tổng kinh phí vận động nhà tài trợ 1,6 tỷ đồng; bê-tông 3,15km lộ nông thôn, tổng kinh phí 630 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong ấp An Quới, xã Định Thủy của ông Tư có 70 cầu nông thôn do ông vận động kinh phí làm cho bà con đi lại. Có những cây cầu ông Tư làm bị “lỗ” tiền vật tư, dù tiền công ông đã không nhận, ông kêu gọi chính quyền địa phương góp tiền vô bù lỗ. Uy tín của ông Tư đã giúp ông vượt qua rất nhiều khó khăn và ông nhận được nhiều sự giúp đỡ khi cần.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định Thủy Nguyễn Văn Dệ cho hay: “Đường về nhà tôi ở ấp Định Nghĩa, xã Định Thủy có cây cầu bê-tông chú Tư Thẹn xây năm 1994, tới nay cầu vẫn còn tốt, chưa phải sửa chữa lần nào”. Những cây cầu nông thôn ông Tư Thẹn đứng chỉ huy xây dựng thường nằm trên tuyến đường liên tổ, liên ấp, liên xã, cầu có bề rộng từ 2,5 - 3m, chiều dài từ 10 - 40m. Trên mảnh đất Định Thủy, vẫn còn những cây cầu có thông thuyền dạng vòm cao để ghe chở mía đi qua như: cầu ấp Thanh Hưng (thuộc ấp Thanh Tân).

 “Đó là những cây cầu được xây những năm 1990 vì vùng này bà con trồng nhiều mía, ghe chở mía qua lại tấp nập thu mua. Tới nay là giai đoạn của nông thôn mới, đường thủy không còn thông dụng, mà đường bộ phát triển vượt bậc. Do đó, cầu được xây mặt rộng hơn gấp đôi, gấp 3 lần mặt cầu ngày xưa cho xe qua lại dễ dàng, thông thuyền không cần cao. Nông thôn mới đã làm thay đổi hết bộ mặt miền quê, đời sống bà con ngày một phát triển hơn”, ông Tư Thẹn đúc kết quan sát sau mấy chục năm làm cầu từ thiện trên quê hương mình.

“Anh Tư Thẹn tích cực đóng góp xây dựng cầu, đường ở Mỏ Cày Nam. Nhờ tấm lòng của anh Tư mà bà con có cầu, lộ mới đàng hoàng để đi lại, phát triển kinh tế. Gia đình anh Tư hiện nay đơn chiếc, chỉ có 2 vợ chồng hủ hỉ, các con đều đã lập nghiệp ở xa, chị nhà lại hay bệnh, thế nhưng tinh thần phục vụ của anh Tư vẫn luôn lăn xả.

Anh Tư Thẹn là tấm gương Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh ấp An Quới tích cực xây dựng quê hương. Anh còn tham gia nhiều công tác khác ở địa phương như Chi hội trưởng Người cao tuổi ấp An Quới”.

(Ủy viên Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Nam Trịnh Văn Phiết)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN