BDK - Chiến thắng ngày 30-4-1975 là một mốc son đi vào lịch sử như một huyền thoại, huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã dũng cảm, kiên cường, chung sức, đồng lòng quyết chiến, quyết thắng với kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đó có vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương.
Nhân dân nô nức mít-tinh mừng ngày chiến thắng 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng
Trong 2 năm 1973 - 1974, quân và dân ta đã mở nhiều đợt tiến công và giành thắng lợi quan trọng trên các chiến trường. Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên vào ngày 4-3-1975, ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên, nhanh chóng giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ngày 25-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế, tiếp đó giải phóng Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
Những thắng lợi có ý nghĩa quyết định đó, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và giải phóng miền Nam Việt Nam.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc về giải phóng Sài Gòn. Bằng sức mạnh và sức tiến công mạnh mẽ của 5 cánh quân chủ lực, ngày 30-4-1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát Trung ương. Địch chống trả quyết liệt, song trước sức mạnh tiến công của ta, các đơn vị chủ lực ngụy bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Trong 2 ngày 30-4 và 1-5-1975, bộ đội chủ lực và LLVT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (gồm Quân khu 8 và Quân khu 9) nắm thời cơ phát động quần chúng nổi dậy, bức rút, bức hàng, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thống nhất đất nước.
Giải phóng thị xã Bến Tre
Những ngày này ở Bến Tre, địch vẫn ngoan cố mở những cuộc hành quân lấn chiếm, ra sức phòng thủ thị xã, thị trấn. Ngày 9-4-1975, Tỉnh ủy ra chỉ thị: Khẩn trương tổ chức lực lượng chính trị, vũ trang, hình thành đội ngũ chặt chẽ, chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong lúc này, Trung đoàn 1 của Quân khu được lệnh rút về trên, lực lượng của tỉnh chỉ còn 3 tiểu đoàn. Ban Chỉ huy Tỉnh đội nhanh chóng thành lập Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 10 và bổ sung, củng cố Tiểu đoàn 590, ổn định tổ chức biên chế, trang bị sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 13-4-1975, Ban chỉ đạo chiến dịch đã điều LLVT của tỉnh về địa bàn Châu Thành, thị xã Bến Tre. Các huyện, các xã chuẩn bị kế hoạch tấn công giải phóng địa phương mình. Hơn 30 vạn quần chúng được phân công bí mật bao vây đồn bót, tháp canh chờ giờ hành động. Ban chỉ đạo thống nhất dùng Tiểu đoàn 560 và 1 đại đội đặc công từ phía Tây Bắc thị xã đánh xuống; Tiểu đoàn 263, 516 và 1 đại đội đặc công từ Bắc thị xã đánh lên; Tiểu đoàn 8 và Đại đội trợ chiến từ tả ngạn phía Nam thị xã đánh qua sông Bến Tre; Tiểu đoàn 590 chốt lộ 26 từ kinh Chẹt Sậy đến Mỹ Lồng; Tiểu đoàn 10 tăng cường cho huyện Mỏ Cày.
Ngày 27-4-1975, Ban chỉ đạo chiến dịch thống nhất chuyển phương án chiến đấu. Theo phương án mới, Tiểu đoàn 263, Tiểu đoàn 516 cùng với Đại đội Đặc công được điều về địa bàn Giồng Trôm. Đêm 29-4-1975, ta tổ chức Tiểu đoàn 263 và Đại đội Đặc công đánh phân chi khu Lương Quới và các đồn trên trục giao thông 26, buộc địch phải đưa tiểu đoàn bảo an ứng cứu. Đồng thời, ta tập trung Tiểu đoàn 516, Tiểu đoàn 590 phục kích diệt địch và giữ chân chúng ở khu vực Đồng Gò, Lương Quới.
Sáng 30-4-1975, địch đưa các tiểu đoàn 418, 453, 401, 507 đến giải tỏa Lương Quới. Trong khi ta đang giằng co với địch thì 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong lúc đó tại thị xã Bến Tre, tên Đại tá Phạm Chí Kim - Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng ngoan cố ra lệnh “tử thủ”; bọn địch chống trả quyết liệt. Chiều 30-4-1975, các LLVT của ta phối hợp với lực lượng khởi nghĩa của quần chúng tiến công hầu hết các đồn bót, phân chi khu, căn cứ quan trọng ở các huyện và hàng loạt đồn ven thị xã.
Cùng với tiến công quân sự, ta đưa lực lượng chính trị, binh vận triển khai vào nội ô thị trấn, thị xã thúc ép địch đầu hàng. Dưới sức mạnh tiến công như vũ bão của quân ta, 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, toàn bộ quân địch buôn súng đầu hàng. Hàng vạn quần chúng nổi dậy xuống đường và từ các ngã tiến vào thị xã. Cờ Mặt trận tung bay khắp phố phường, thị xã Bến Tre được giải phóng.
Trải qua 21 năm kháng chiến chống quân xâm lược, liên tục 5 đời Tổng thống và 4 giai đoạn chiến lược, Mỹ đã huy động một tiềm lực khổng lồ về quân sự để đổ vào chiến trường. Chúng đã đưa 6,6 triệu lượt lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, có lúc lên đến 549.500 tên, cùng 72.600 lính chư hầu các nước (năm 1969). Chúng dội xuống đất nước chúng ta 14,3 triệu tấn bom đạn, tương đương 725 quả bom nguyên tử ném ở Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II, nên hầu như trên khắp đất nước ta không có nơi nào không có bom đạn của Mỹ.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch, đặc biệt là của đồng bào miền Nam.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre giai đoạn 1930 - 2015 ghi nhận: Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ sức mạnh của nhân dân, tính chủ động mưu trí, sáng tạo của quần chúng lại được Đảng bộ Bến Tre huy động, tổ chức và phát huy với quy mô lớn, nhịp độ khẩn trương và hiệu lực mạnh mẽ như trong những ngày bão táp của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Quân và dân Bến Tre đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh đồ sộ của chính quyền tay sai mà địch đã dày công xây dựng hơn 20 năm; diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân từ phòng vệ dân sự, cảnh sát, dân vệ và bảo an trên ba vạn tên; tiêu diệt, phá hủy, bức hàng, bức rút trên 700 đồn bót, phân chi khu; chiếm toàn bộ các căn cứ, kho tàng, sân bay và trụ sở ngụy quân, ngụy quyền các cấp; thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Trong trận quyết chiến chiến lược này, quân và dân Bến Tre đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn và triệt để, kết thúc 21 năm chiến đấu gian khổ quyết liệt, góp phần cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới.
Dân tộc Việt Nam, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi đó được tạc vào thế kỷ XX như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ, tài năng, của lòng dũng cảm. Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại có tầm quan trọng quốc tế và tính thời đại sâu sắc và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.