Đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa

04/07/2018 - 07:51

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp với mỹ phẩm từ dừa.

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp với mỹ phẩm từ dừa.

Dừa là cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp chế biến, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa. Theo thông tin mới đây từ Ban điều phối chương trình phát triển ngành dừa, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2017 đã xác lập kỷ lục mới với hơn 192 triệu USD (năm 2016 là 150 triệu USD), chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trên 40 mặt hàng xuất khẩu

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 40 mặt hàng xuất khẩu từ dừa. Giá trị sản xuất các sản phẩm dừa (giá so sánh năm 2010) năm 2017 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 2 năm qua là 9,54%/năm. Xuất khẩu dừa đang dần chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu đã lên đến 85 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới.

Qua phân tích về sự phát triển từng mặt hàng của Ban điều phối chương trình phát triển ngành dừa cho thấy, 3 sản phẩm mới là nước dừa đóng lon/hộp, mặt nạ dừa, dầu dừa tinh khiết dùng làm mỹ phẩm đã được thương mại hóa ở quy mô lớn nhưng sản lượng chưa ổn định.

Có 2 sản phẩm có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân là sữa dừa và than thiêu kết. So với mục tiêu năm 2020 của chương trình, hiện tại sữa dừa đã sản xuất được hơn 62.000 tấn/năm, vượt trên 12%. Kẹo dừa tăng bình quân từ 8.500 tấn lên 10.000 tấn. Dầu dừa tinh luyện từ 285 tấn năm 2015 lên 320 tấn năm 2017.

Công suất chế biến dừa tối đa của các nhà máy hiện đã cao hơn gấp 2 lần tổng sản lượng dừa thu hoạch của tỉnh, tương đương 1,2 tỷ trái/năm. Nếu nguồn nguyên liệu dừa và giá cả đầu vào ổn định, việc phát triển thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng thì các nhà máy có thể hoạt động hết công suất, góp phần tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu dừa cho cả tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về công nghệ chế biến, ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho rằng, công nghệ chế biến các mặt hàng từ cơm dừa của tỉnh hiện đã chạm đến đỉnh cao của thế giới, thuộc vào nhóm có trình độ kỹ thuật cao nhất của ngành dừa hiện nay.

Phát triển sản phẩm tinh chế

Trong khi các sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm dần (như chỉ xơ dừa giảm bình quân 21,8%/năm, thạch dừa thô giảm 29,22%/năm, cơm dừa nạo sấy giảm 11,7%/năm) thì các mặt hàng tinh chế tăng cao, có khả năng thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường tiềm năng, góp phần phát triển ổn định và bền vững ngành dừa trong tỉnh.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư 2 dự án sản xuất dầu dừa tinh luyện công suất 6.000 tấn/năm và sản xuất dầu dừa tinh khiết, công suất 4.800 tấn/năm. Đây là công nghệ chiết xuất dầu dừa tinh luyện VCO bằng phương pháp không gia nhiệt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Dầu dừa tinh khiết của Cộng đồng dừa ở châu Á và Thái Bình Dương - APCC, giúp nâng cao giá trị sản phẩm gấp nhiều lần.

Sản xuất mặt nạ dừa.

Sản xuất mặt nạ dừa.

Chương trình phát triển ngành dừa của tỉnh đã hỗ trợ các DN thực hiện nhiều dự án phát triển sản phẩm như: đầu tư nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy béo thấp (Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới); nhà máy sản xuất sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre); nhà máy sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp (Công ty Thực phẩm Ngưu Dừa)…

Theo Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, nếu dừng lại ở việc sơ chế cơm dừa, bình quân một trái dừa tạo ra giá trị tương ứng từ 2.000 - 3.000 đồng/trái. Tuy nhiên, nếu phát triển theo hướng chuỗi dừa hữu cơ và giá trị gia tăng thì giá trị một trái dừa có thể nâng lên đến gấp hàng chục lần.

Cụ thể, tính riêng sản xuất dừa nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, người trồng dừa đã có thu nhập cao hơn bình thường từ 5 - 20%. Với các mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao thì sự chênh lệch giá trị gia tăng đã vượt xa so với sự tưởng tượng của người dân và DN.

Chuỗi mặt hàng giá trị gia tăng

Không chỉ dòng sản phẩm sữa dừa, các sản phẩm từ nước dừa cũng liên tục tạo ra nhiều dấu ấn trong vài năm gần đây. Trước đây, nước dừa là phụ phẩm nên giá cả tương đối thấp, có thời điểm một can nước dừa 30 lít chỉ bán được với giá 5.000 đồng. Bà Châu Kim Yến - Tổng giám đốc Betrimex phấn khởi cho hay: “Sản phẩm nước dừa Cocoxim của Betrimex đã đến tay người tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, với giá bình quân 13.000 đồng/hộp 330ml, tính ra giá trị của nước dừa đã tăng tới gần 300 lần so với trước đây”. Được biết, Betrimex đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp với công suất lên tới 37 triệu lít sản phẩm/năm.

Còn theo bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, công ty hiện đã có trên 15 mặt hàng mỹ phẩm thương mại hóa, trong đó chủ lực là mặt nạ dừa có giá trị gia tăng gấp 10 lần so với thạch dừa thô. Riêng năm 2018, công ty tiếp tục cho ra mắt chính thức 3 sản phẩm mới là giấy gói kẹo hòa tan, mặt nạ dừa - linh chi và giấy thấm hút dầu cho da. “Giấy thấm hút dầu cho da được chế biến hoàn toàn từ nước dừa là một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường hiện nay. Sản phẩm này giúp giá trị nước dừa nâng lên nhiều hơn nữa” - bà Cẩm Hồng cho biết.

Đối với chuỗi giá trị các sản phẩm khác từ dừa, toàn tỉnh có 170 cơ sở chế biến vỏ dừa; 236 cơ sở sơ chế trái dừa; 57 đơn vị sản xuất than thiêu kết; có 44 DN chế biến với 5 nhóm sản phẩm chính như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, dầu dừa.

Ngành dừa tỉnh đang phát triển, đáp ứng xu thế hội nhập. Bản thân các DN đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó là sự tiếp sức, trợ lực từ các bộ, ngành Trung ương tạo động lực, đòn bẩy cho DN đủ tầm vươn ra và sánh vai với cộng đồng DN thế giới, tỉnh cũng quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp, người khởi nghiệp. Chỉ tính riêng trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã có 27 DN mới đăng ký đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ngành dừa, tổng vốn đăng ký 51,53 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN