Hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo, bài 2:

Đa dạng mô hình sinh kế

21/08/2024 - 05:32

BDK - Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, tỉnh triển khai tích cực và hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo. Đến nay, phần lớn mô hình sinh kế mang lại hiệu quả, giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông Đinh Văn Măng (ấp An Huề, xã An Qui, huyện Thạnh Phú) (giữa) giới thiệu mô hình nuôi dê.

Hiệu quả từ nuôi dê

Từ đối tượng hộ nghèo của xã, năm 2017, hộ ông Đinh Văn Măng (ấp An Huề, xã An Qui, huyện Thạnh Phú) được tiếp cận nguồn vốn từ CTMTQG về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Từ nguồn vốn 20 triệu đồng của chương trình, gia đình ông Măng đối ứng thêm 3 triệu đồng mua 6 con dê Boer (loại giống dê Nam Phi). Sau 3 năm chăm sóc, từ số dê ban đầu đã sản sinh, trung bình 4 tháng có 4 - 5 con bê con xuất chuồng.

Hiện ông Măng đã gầy lại giống mới và phát triển thêm đàn dê lên đến 11 con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Măng có thu nhập trên 12 triệu đồng từ việc chăn nuôi dê. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông Măng đã vươn lên hộ cận nghèo, dự kiến thoát hộ cận nghèo vào năm 2024. Chia sẻ hiệu quả mô hình nuôi dê, ông Đinh Văn Măng cho biết: “Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi có điều kiện phát triển chăn nuôi, mang lại kinh tế cho gia đình. Theo dự tính chăn nuôi thuận lợi, kinh tế gia đình ổn định như hiện tại, cuối năm 2024 tôi xin thoát nghèo”.

Phó chủ tịch UBND xã An Qui Phạm Hồng Lạc cho biết: “Hộ ông Đinh Văn Măng là đối tượng cựu chiến binh của ấp An Huề. Gia đình làm nông nhưng đất canh tác ít, là hộ cận nghèo của địa phương. Trong quá trình thực hiện dự án mô hình sinh kế giảm nghèo, ông Măng tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với bản tính chăm chỉ, chí thú lao động sản xuất, ông Măng thực hiện dự án nuôi dê hiệu quả. Đây là hộ gia đình nổi trội nhất trong các hộ gia đình tham gia dự án đa dạng sinh kế giảm nghèo trên địa bàn xã. Từ hiệu quả mô hình hộ ông Măng, UBND xã đang phối hợp các đoàn thể để lập danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng cần hỗ trợ để dự án hỗ trợ”.

Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, xã An Qui tiếp nhận trên 747 tỷ đồng từ nguồn vốn CTMTQG về giảm nghèo, trong đó nguồn vốn người dân đối ứng trên 158 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, xã đã phê duyệt và giải ngân cho 5 dự án với tổng nguồn vốn trên 588 tỷ đồng. Riêng năm 2024, vốn xoay vòng của xã đã giải ngân cho 1 dự án, hiện xã đang lập danh sách đề nghị huyện giải ngân thêm đối tượng gia đình chính sách khó khăn. Tính đến nay, xã An Qui có 36 hộ dân tham gia dự án đa dạng sinh kế giảm nghèo, trong đó có 1 hộ mới thoát nghèo.

Theo Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạnh Phú Nguyễn Văn On, thực hiện dự án đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với các ngành huyện có liên quan và UBND các xã rà soát chọn đối tượng tham gia dự án. Toàn huyện đã xây dựng 18 dự án, trong đó có 16 dự án nuôi bò, 2 dự án nuôi dê với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng. Tổ thẩm định hồ sơ dự án đa dạng sinh kế huyện đang tiến hành thẩm định các dự án, dự kiến đến tháng 9-2024 sẽ giải ngân. Năm 2024, nguồn vốn CTMTQG về giảm nghèo đã phân bổ trên 2,5 tỷ đồng cho huyện. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân 100% vốn được phân bổ và vốn chuyển nguồn của các năm trước.

Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

CTMTQG về giảm nghèo đã tác động tích cực đến địa phương được thụ hưởng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống của người dân các xã bãi ngang đã từng bước nâng dần mức sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ 9,08% vào năm 2021 xuống còn 5,39% vào cuối năm 2023.

Báo cáo với lãnh đạo Văn phòng Quốc gia giảm nghèo tại buổi giám sát CTMTQG về giảm nghèo tỉnh, Trưởng phòng Quản lý Công tác xã hội, Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoàng Dân cho biết: Công tác giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao mức sống hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu nhập hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được ổn định, hộ thoát nghèo mang tính bền vững, khả năng tái nghèo thấp.

Để đạt hiệu quả trong thực hiện mô hình sinh kế, thời gian vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành tỉnh, địa phương triển khai hướng dẫn, chỉ đạo xã triển khai mô hình sinh kế trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển đúng theo quy định. Từ đó, các mô hình đã phát huy được hiệu quả, người dân đã ý thức và sẵn sàng đối ứng cùng với nguồn kinh phí được hỗ trợ của Trung ương, tỉnh trong việc nâng cao số lượng con giống, vật nuôi. Một số hộ được hỗ trợ từ chương trình đã hướng dẫn, hỗ trợ các hộ khác phát triển và nhân rộng mô hình sinh kế trên địa bàn theo hướng hàng hóa.

“Để triển khai thực hiện tốt CTMTQG về giảm nghèo giai đoạn mới, tỉnh ưu tiên, tập trung thực hiện tốt CTMTQG về giảm nghèo, giải ngân các nguồn vốn đã được hỗ trợ từ chương trình. Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 đã được Chính phủ phê duyệt. Rà soát lại toàn bộ các dự án, nội dung hoạt động của chương trình đã được phân bổ nguồn vốn năm 2024. Dự án nào đang triển khai cần tăng tốc thực hiện, dự án có đủ điều kiện tổ chức thực hiện phải thực hiện ngay, dự án còn khó khăn vướng mắc về quy trình, thủ tục… phải có giải pháp xử lý, tháo gỡ ngay. Phấn đấu đến hết tháng 12-2024, tối thiểu giải ngân 95% tổng nguồn vốn được giao theo yêu cầu của Chính phủ”, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Phí Mạnh Thắng lưu ý.

Tính đến cuối tháng 4-2024, trong 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh đã có 1 xã được công nhận là thị trấn (thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri), 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã An Thuận, xã Bình Thạnh và xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú). Dự kiến, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN