Mỗi sáng đi dọc theo quốc lộ 57 trên địa phận Chợ Lách, người ta dễ dàng bắt gặp từng tốp thanh niên ngồi tụm năm, tụm ba ở các quán cà phê bình dân. Đừng tưởng họ đang bàn về phương cách làm ăn, cũng không phải tranh luận về một vấn đề xã hội nào đó, đa số họ đang bàn về một việc: đá gà. Và, nếu bạn là người có máu ăn thua, hãy ghé vào, đưa ra hàng loạt những “thuật ngữ”… đá gà, bạn sẽ nhanh chóng trở thành “đồng nghiệp” của họ!
Tôi đi đá gà
Theo chân một anh bạn, chúng tôi tấp vào quán nước mía ở lộ ngã tư xã Sơn Định (Chợ Lách). Ở đó đã có sẵn năm sáu thanh niên đang ngồi bàn tán sôi nổi. Bạn tôi không phải là người đá gà chuyên nghiệp nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến dân đá gà vì anh có tài coi tướng gà và thuộc lòng những bài bản kỵ màu, kỵ vảy… trong nguyên tắc cáp độ đá gà của dân sành điệu. Còn tôi thì hoàn toàn “ngoại đạo” nên ngồi nghe họ bàn luận như người dốt ngoại ngữ nghe bản tin tiếng Anh trên tivi. Điều tôi hiểu duy nhất là họ đang chuẩn bị cho một cuộc ăn thua lớn mà hai con gà đang cáp độ thuộc loại “sao” của khu vực. Những chiếc điện thoại đời mới cứ đổ chuông liên tục và cuối cùng địa điểm được xác định là sân gà của một người tên Đ ở xã Sơn Định. Cứ tưởng một trận gà qui mô như vậy mà chỉ có 4 chiếc xe (kể cả xe của tôi và anh bạn). Nào ngờ, chỉ một đoạn đường ngắn khi chúng tôi khởi hành thì có thêm năm sáu chiếc xe khác nhập cuộc. Vừa chạy xe, họ vừa điện thoại liên tục, hình như họ đang thông báo với những đồng nghiệp khác về địa điểm đá gà. Tôi để ý, ngoài bản số xe 71 của Bến Tre còn có những bảng số xe ngoài tỉnh như: 64, 63, 84, 62… Mới thấy, cuộc ăn thua sắp xảy ra có tính chất qui mô cỡ nào! Lại một đoàn xe nữa từ phía Vĩnh Long đổ xuống, cũng gọi nhau í ới qua điện thoại. Và giờ đây, sự lén lút cần có của một cuộc đỏ đen không còn giá trị, họ đi rầm rộ… người bình thường cũng nhận ra, vậy mà, nó vẫn tồn tại từ ngày này qua tháng nọ.
Địa điểm được chọn thật là “lý tưởng”, nằm khuất trong một vườn chôm chôm đang vào mùa thu hoạch. Kinh nghiệm cho biết, không nên chạy xe đến sân gà mà gởi rải rác ở những nhà dân trong xóm để khi có “động” thì không phải “bỏ của chạy lấy người!”. Tôi nhẩm đếm, khoảng hơn hai chục chiếc xe và gần năm chục con người chen chúc nhau ở một khu đất trống nhưng kín đáo, mặt ai cũng đầy tâm trạng. Hai người ôm gà bắt đầu cáp độ, họ chăm bẵm vào đối phương để ngầm thẩm định địch thủ của mình thuộc loại nào. Gần nửa tiếng cho một cuộc kỳ kèo, ngã giá. Cuối cùng thì mọi thỏa thuận đã được công khai để các “chiến hữu” tùy thích chọn lựa “võ sĩ” mà bắt độ, phóng độ. Các thủ tục cần thiết cho một độ gà được diễn ra nhanh chóng. Hai bên đọc số tiền trong sổ độ của mình (thường thì khoảng hai ba triệu, vì đa số dân đá gà chuyên nghiệp luôn phóng đá ngoài sổ để có thời gian đánh giá đối tượng, biết mình nên đứng về phía “võ sĩ” nào). Đến phần vô cựa và thả gà. Đây là công đoạn mang tính chất quyết định vì nó là bí quyết nhà nghề, ít ai truyền cho ai. Nó đòi hỏi sự khéo léo tinh tế trong mọi thao tác, nếu không, chỉ sơ suất một chút thôi thì gà có giỏi cỡ nào cũng không thắng được đối phương.

Tôi không chen chân vào trong được nên đứng ở vòng ngoài lóng ngóng chờ… tin tức. Ban đầu là những tiếng la hét cổ vũ của cả hai bên, sau đó thì “phóng ăn tám con gà khét”, “phóng ăn bảy con gà điều”… vui như hội! Tôi đoán không đến hai phút thì nghe một phía vỡ òa niềm vui, một bên im lặng nặng nề. Và tôi biết, tất cả đã được ngã ngũ, cuộc đỏ đen đã kết thúc. Nhìn vào sân gà, tôi thấy một con nằm bất động trên sân khi trước đây hai phút nó vẫn còn giương cổ gáy chứng minh cho sự oai dũng của mình! Còn bên phía vườn chôm chôm, một tốp thanh niên khác đang vật lộn với cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt.
Nuôi gà làm giàu và những hệ lụy
Tôi có anh bạn, thấy ba mình sau một mùa vụ nông nhàn không có việc gì làm nên anh xin về cho ông hai con gà nòi nuôi để vui. Ban đầu thì nuôi để vui thật, nhưng hơn một năm sau, may mắn cho ông là nuôi được một loại gà “bổn” (gà có vảy tốt). Được một người có kinh nghiệm chỉ dẫn, ông nhân giống gà mình ra và qua truyền miệng, giống gà ông bắt đầu nổi tiếng. Năm đầu, khách hàng của ông đa số là người trong huyện Chợ Lách, giá cả cũng không ổn định, chỉ trên dưới năm trăm ngàn một con. Lâu dần, ông mở rộng “thị trường” bằng cách đem giao gà ở TP.HCM hoặc các tỉnh giáp biên giới Campuchia. Lại một lần nữa may mắn, gà của ông giao cho khách hàng có tỉ lệ ăn khá cao so những giống gà khác và nó nhanh chóng trở thành thương hiệu, khách hàng ở các tỉnh lân cận nườm nượp kéo đến nhà ông. Sự hấp dẫn từ lợi nhuận bán gà khiến ông không màng đến chuyện làm vườn mà đầu tư tất cả cho đàn gà của mình. Một con gà đẹp, nuôi trên dưới một năm bán không dưới giá một triệu, thậm chí nếu được mối, nó có thể lên đến hai ba triệu. Có điều, mới đầu ông chỉ ghiền… tiền thì không lâu sau đó ông bắt đầu ghiền gà. Những ngày đi theo “đồng nghiệp” coi đá gà, cái máu ghiền thấm vào ông lúc nào không biết. Lần đầu “ké” vài ba chục ngàn, sau tăng dần cho đến khi cay cú ăn thua thì bạc triệu đối với ông như những tờ giấy lịch! Bây giờ thì ông đã thật sự trở thành con nghiện, tiền bán gà không đủ bù vào tiền thua đá gà, hơn nữa, suốt ngày lân la ở các tụ điểm đá gà, ông không còn thời gian chăm sóc cho đàn gà của mình nên cái “thương hiệu” ông cố công gầy dựng trước đây coi như mai một. Và, sự lún sâu vào các độ đá gà khiến ông trở về với hai bàn tay trắng nếu không muốn nói là ông có nguy cơ sạt nghiệp.
Nuôi gà đá ở Chợ Lách hiện nay là một cái “nghề” đang hình thành. Người người nuôi gà, nhà nhà nuôi gà, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội vì “đầu ra” là vô tận. Gà tốt thì bán một hai triệu một con, gà xấu hai ba trăm ngàn, còn xấu nữa thì… ăn thịt. T ở xã Vĩnh Bình nuôi vài chục con gà nòi có “bổn” đã đủ nuôi sống gia đình và có dư để đầu tư cho mấy công vườn chanh của mình. Anh H ở xã Hòa Nghĩa thì tuyên bố: Nuôi gà nòi tao chấp năm công vườn! Điều đó là có thật và trong một giới hạn nào đó thì họ đang làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, nó chỉ đúng cho những người chỉ nuôi mà không đá, còn những người vừa nuôi gà, vừa đá gà như ba của anh bạn tôi thì đừng mong kiếm cơm dù là tưởng tượng!
Rất buồn là khi Nhà nước vận động lao động công ích như làm đường, làm cống hay nâng cao bờ bao chống lũ thì số thanh niên tham gia chỉ lèo tèo vài ba người vác cuốc vá đến công trình làm cho có để đối phó, rồi về. Trong khi có một độ gà nào đó trong xóm thì thông tin lại lan nhanh như dịch, thanh niên tập trung đông như trẩy hội. Và đáng buồn hơn là trong lúc một bộ phận thanh niên đang vất vả với nhiều phương kế mưu sinh thì một bộ phận khác lại lao vào các cuộc đỏ đen (ngoài đá gà còn đánh bài, số đề…) như những con thiêu thân tạo ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Khi thua độ họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả trộm cắp để mong gỡ gạc cho lần sau. Rồi gia đình đổ vỡ, ly hôn vì người chồng (có nhiều khi cả người vợ) đánh cược cuộc đời mình trong vài phút, thậm chí vài giây ở một độ đá gà.
Đá gà, nguyên thủy nó là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian, một trò chơi, một thú tiêu khiển trong các mùa lễ hội. Sau, nó biến dạng dần trở thành một phương thức cờ bạc ăn tiền. Trước đây, nó chỉ diễn ra trong mấy ngày Tết. Còn bây giờ, nó là một món “ăn chơi” thịnh hành trong suốt cả năm, gây xáo trộn trong đời sống xã hội, đặc biệt là người “nghiện” gà lại nằm trong đại bộ phận thanh niên mới lớn. Điều này rất cần cảnh báo.