Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị phải đồng bộ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương
08/11/2024 - 16:21
BDK.VN - Ngày 8-11-2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Dữ liệu trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận tại Hội trường ngày 8-11-2024.
Tuy nhiên, theo đại biểu đây là một luật khó, phức tạp nên cần rà soát, đánh giá tác động thật kỹ, đặc biệt việc tập hợp vào đầu mối Trung tâm Dữ liệu quốc gia của 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và 108 cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất phù hợp nhưng với cơ sở dữ liệu lớn như vậy thì cần hạ tầng dữ liệu cũng phải lớn, chi phí bảo trì, bảo dưỡng và rủi ro mất an ninh, an toàn dữ liệu rất cao.
Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cũng chưa thống nhất với nhiều luật khác. Do đó đại biểu đề nghị cần điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật theo hướng quy định khung, tránh quy định quá chi tiết, cụ thể dễ gây ra những vướng mắc, khó thực hiện khi luật được thông qua vì chưa lường hết được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn do lĩnh vực điều chỉnh của Luật có xu hướng phát triển nhanh, chưa dự báo được.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung Báo cáo tổng kết việc quản lý và quản trị của 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và 108 cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có đánh giá toàn diện những hạn chế, tồn tại trước khi bổ sung quy định này vào dự thảo luật.
Theo đó, nên xác định lộ trình cụ thể từng cấp dữ liệu, loại dữ liệu, lĩnh vực dữ liệu, tính sẵn sàng của dữ liệu và mức độ quan trọng của dữ liệu trước khi tập hợp vào Trung tâm dữ liệu quốc gia, song song đó đại biểu cũng đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhưng phải đảm bảo các quy định chắc chắn ban hành được bằng các văn bản dưới Luật, tránh trường hợp như Luật an ninh mạng (có hiệu lực từ 3-2022 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được 2 nghị định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng).
Về tính tương thích của dự thảo luật với hệ thống pháp luật:
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật có liên quan đến 127 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 69 luật, 42 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng chính phủ và 41 Thông tư.
Theo Báo cáo số 2462/BC-BCA ngày 18-10-2024 của Bộ Công an về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án luật dữ liệu thì kết quả rà soát đã đầy đủ 69 Luật nhưng kết quả rà soát chưa được đảm bảo toàn diện vì nhiều nội dung quy định trong dự thảo luật tuy không chồng chéo, mâu thuẫn nhưng không đồng nhất.
Một số nội dung có thể mở rộng hoặc thu hẹp hơn các quy định tương tự ở các Luật liên quan mà báo cáo thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng An ninh và các Ủy ban khác của Quốc hội đã chỉ ra, nhất là các khái niệm.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để có cách hiểu thống nhất, từ đó mới có thể phân định cụ thể được phạm vi điều chỉnh giữa các luật và có các quy định điều chỉnh phù hợp hơn.
Về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu (Điều 5):
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn lý do quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu trong khi phạm vi điều chỉnh của luật lại quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu.
Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc về đảm bảo đồng bộ trong xây dựng, phát triển, xử lý và quản trị dữ liệu. Trong xây dựng cơ sở dữ liệu phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc đồng bộ về thời gian thu thập, phương pháp thu thập, đơn vị đo lường, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; đồng bộ trong phương pháp phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu khi khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đồng bộ về năng lực và điều kiện vận hành hệ thống trong bảo mật, bảo vệ dữ liệu.
Bởi vì, những tồn tại do thiếu đồng bộ trong xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu đã xảy ra trong thời gian qua dẫn đến một số hệ lụy và tồn tại do thiếu đồng bộ trong xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu diễn ra trong thực tiễn như không đồng bộ về phương pháp thu thập dữ liệu dẫn đến sự chồng lấn, cấp sai, cấp thiếu diện tích đất được cấp quyền sử dụng cho người dân ở 9 tỉnh thuộc dự án VLAP “hoàn thiện và hiện đại hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” trên địa bàn 9 tỉnh nhưng việc giải người dân từ 2008 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Về phân loại dữ liệu (Điều 12):
Dự thảo Luật xây dựng 4 chính sách cơ sở dữ liệu rất lớn, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực để quản lý và quản trị chưa thể đồng bộ ngay hoặc chậm đáp ứng theo tốc độ phát triển khoa học công nghệ về dữ liệu.
Do đó, đại biểu cho rằng việc phân loại để có cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng, phát triển, xử lý và quản trị tương thích với từng loại dữ liệu là cần thiết.
Tuy nhiên, các nội dung quy định trong dự thảo luật đại biểu thấy rằng quyền thu thập, quyền truy cập, sửa đổi, cập nhật, lưu trữ, bảo mật và chia sẻ với nước ngoài là loại dữ liệu nào được cung cấp, mua bán; loại dữ liệu nào là phải được giao dịch qua sàn giao dịch dữ liệu thì chưa được quy định cụ thể theo từng loại dữ liệu được phân loại trong dự thảo luật.
Đồng thời, dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng chỉ tập trung nhiều về nguyên tắc phân loại dữ liệu, chưa quy định cụ thể về việc xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ của từng loại dữ liệu. Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định rõ vấn đề đồng bộ trong xây dựng dữ liệu, làm căn cứ xây dựng dữ liệu để có cơ sở xử lý, phát triển, khai thác và bảo vệ dữ liệu tương ứng với từng loại dữ liệu.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia (Điều 29):
Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với 6 nội dung chi và theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, không được chi trùng với ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại mục c khoản 4 Điều 29 lại quy định Quỹ có thể hỗ trợ cho các hoạt động mà ngân sách nhà nước đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Quy định như vậy là mâu thuẫn ngay trong nguyên tắc hoạt động của Quỹ.
Đại biểu đồng tình với quan điểm xây dựng Luật, dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển công nghệ số quốc gia, cũng giống như hạ tầng giao thông phải được ngân sách nhà nước đảm bảo, tổ chức cá nhân khi khai thác sử dụng phải trả phí theo các hình thức phù hợp với từng loại phương tiện và mục đích khai thác, sử dụng như quy định về thu phí khai thác dữ liệu tại khoản 3 Điều 39 và nguồn thu từ cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại khoản 4 Điều 13, trong khi phải phát sinh bộ máy và chi phí cho bộ máy quản lý quỹ không cần thiết.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.