Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Bến Tre thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam

05/11/2024 - 20:47

BDK.VN - Sáng 5-11-2024, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND)Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội trường sáng 5-11-2024.

Bởi vì Luật Sĩ quan đã được ban hành từ năm 1999, qua ba lần được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2008, 2014 và năm 2019, đã có nhiều luật mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung có nội dung liên quan, tác động trực tiếp đến lực lượng sĩ quan QĐND Việt Nam.

Chính vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó có quy định về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan như: Độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị thấp hơn độ tuổi người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo; và cũng chính từ độ tuổi phục vụ thấp nên việc hưởng lương hưu đối với sĩ quan từ cấp Trung tá trở xuống còn thấp, không đạt 75% do không đủ năm công tác.

Ngoài ra, một số quy định của Luật hiện hành chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị; một số chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương…quy định chưa cụ thể nên hiệu quả triển khai thực hiện Luật chưa cao.

Vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện Luật Sĩ quan đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Về các nội dung cụ thể trong Dự thảo luật, đại biểu có một số ý kiến góp ý như sau:

 Thứ nhất, về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan (quy định tại khoản 2, Điều 1 Dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam)

Tại khoản 2, Điều 1 dự thảo luật quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm“Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá 54; Thượng tá: lên 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60”. Theo quy định của dự thảo Luật, độ tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm có nâng lên so với Luật hiện hành và không phân biệt giữa nam và nữ.

Đại biểu cho rằng, quy định như Dự thảo luật sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy tinh nhuệ, hiện đại; việc điều chỉnh nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để sĩ quan có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, nhất là số cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đào tạo chuyên sâu, đặc thù, đảm bảo được nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của Quân đội.

Tuy nhiên, cùng là sĩ quan QĐND Việt Nam nhưng tính chất, môi trường làm việc, địa bàn công tác, nhiệm vụ trong QĐND tại các khu vực miền núi, vùng biên giới, hải đảo....sẽ phức tạp, khó khăn, nguy hiểm hơn các khu vực khác.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất ở địa bàn miền núi, vùng biên giới, hải đảo... thấp hơn các khu vực khác, nhằm bảo đảm sĩ quan đủ điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hoặc có cơ chế giao thẩm quyền cho Bộ trường Bộ Quốc phòng để quy định như tại khoản 3 Điều 13 giao thẩm quyền cho Bộ trưởng quy định đối với một số chức danh Chỉ huy quản lý nhưng không cao hơn độ tuổi theo cấp bậc quân hàm. 

 Thứ hai, về thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ (được quy định tại khoản 4 Điều 1 của Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật hiện hành):

Tại Khoản 3 Điều 17 của Luật hiện hành được sửa đổi thành “Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định”.

Việc sửa đổi quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Công an nhân dân, vì vậy đại biểu cơ bản thống nhất. Tuy nhiên đề nghị điều chỉnh lại cho rõ ràng, cụ thể, thống nhất cách hiểu, như sau: “Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác mà tổ chức có nhu cầu thì sẽ do Chủ tịch nước quyết định”.

 Thứ ba, về bổ sung quy định điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan (được quy định tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 36 của Luật hiện hành):

Dự thảo Luật bổ sung 1 khoản (khoản 3) vào Điều 36 của Luật hiện hành về điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan như sau: “3. Hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13 Luật này nếu đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu”.

 Đại biểu thống nhất với việc bổ sung quy định như dự thảo Luật bởi vì nó phù hợp với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước và phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là “ngành lao động đặc biệt”.

Hiện nay, trong Quân đội có các sĩ quan có trình độ chuyên môn chuyên sâu được tuyển dụng từ bên ngoài vào Quân đội làm công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài quân sự, chuyên môn nghiệp vụ khác…, trong đó nhiều đồng chí trước đó đã có thời gian đóng BHXH, làm việc ở các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội, có tuổi đời đã cao; nhưng khi hết tuổi theo cấp bậc quân hàm, phải chuyển ra sẽ không đủ điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 36 và cũng không đủ 25 năm công tác trong Quân đội để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Sĩ quan.

Trường hợp này phải giải quyết phục viên để hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để chờ đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu. Từ đó làm ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần sẵn sàng để phục vụ trong quân đội, cũng như tâm tư, tình cảm của những đối tượng này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại cách diễn đạt tại khoản 3 Điều 36 cho thống nhất như sau:“3. Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13 Luật này và có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên”.

Thứ tư, về sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị (quy định tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi bổ sung Điều 38 của Luật hiện hành):

Dự thảo Luật sửa đổi hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị tăng từ 1 đến 2 tuổi. Quy định này phù hợp với việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại Điều 13; vừa giảm số lượng và ngân sách đào tạo sĩ quan dự bị hằng năm, vừa tận dụng được đội ngũ sĩ quan khi nghỉ hưu tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị và số sĩ quan dự bị có kinh nghiệm trong thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị.

Dự thảo Luật bổ sung khoản 2 quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc bổ sung quy định này nhằm tháo gỡ chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật hiện hành khi đối tượng này vừa được quy định là sĩ quan dự bị, vừa được quy định là công chức cấp xã.

Mà hai trường hợp này lại có độ tuổi nghỉ hưu rất khác nhau. Đại biểu đề nghị cùng với việc bổ sung quy định này trong Dự thảo Luật thì cần bổ sung điều, khoản để sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 20 Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 vì tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Luật Dân quân tự vệ quy định: “Chỉ huy trưởng là Ủy viên UBND cấp xã, sĩ quan dự bị…”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN