Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận tại tổ

29/10/2021 - 21:57

BDK.VN - Chiều 29-10-2021, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc với hình thức trực tuyến.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn điều hành thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Tuyết

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn điều hành thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Tuyết

Tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025.

Sau đó Quốc hội thảo luận tại tổ. Tại điểm cầu tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thuộc Tổ đại biểu số 15 thảo luận về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Tham gia buổi thảo luận tổ có đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thảo luận về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn tán thành tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu cho rằng: Chính phủ nên chọn ra những vấn đề mang tính chất then chốt, trọng tâm có tác động lớn đến phát triển để cơ cấu lại nền kinh tế, không nên thực hiện đồng loạt, tổng thể. Quan tâm sắp xếp lại các doanh nghiệp trong nước. Tập trung xây dựng được những doanh nghiệp trụ cột mang tầm quốc gia. Thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực đầu tư công. Chính phủ cần có những gói kích cầu tiêu dùng, kích thích nền kinh tế. Chính phủ phải rà soát, điều chỉnh, tháo gỡ ngay những điểm nghẽn về thể chế. Có cơ chế đẩy mạnh liên kết vùng.

Theo đại biểu, trong các nhóm giải pháp phát triển các lĩnh vực, ngành nghề, Chính phủ chưa đề cập nhiều đến phát triển kinh tế biển. Hiện Việt Nam có 28 tỉnh, thành tiếp giáp biển, chiếm 70% GDP của quốc gia. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm xem xét đầu tư nhiều hơn cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tạo không gian phát triển kinh tế biển. Vừa đáp ứng mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển, vừa khai thác mở rộng quỹ đất để phát triển dân cư đô thị, phát triển những ngành nghề thủy hải sản, nông nghiệp công nghệ cao.

“Từ Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu có chính sách đặc thù cho 13 tỉnh ĐBSCL bằng Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng này, trong đó có lĩnh vực phát triển kinh tế biển”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nêu rõ.

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam thống nhất cao với dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu cho rằng: Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, cần bổ sung thêm lý do về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền kinh tế. Trước biến động khó lường của kinh tế thị trường và tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ cần làm rõ tác động của đại dịch Covid-19 có những thách thức, thời cơ nào. Dựa trên những đánh giá nguyên nhân, yếu kém đã được phân tích làm rõ để xác định phát triển nền kinh tế trong thời gian tới là bền vững và hiệu quả.

Theo đại biểu, cơ cấu nền kinh tế là gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó chú trọng phát huy nguồn lực xã hội, huy động khu vực kinh tế tư nhân. Mục tiêu tổng quát của cơ cấu kinh tế giai đoạn mới ngoài phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, cần hướng đến quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường.

Về nhiệm vụ, giải pháp, đại biểu quan tâm đến nhiệm vụ giải pháp thị trường lao động trong cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, cần chú trọng giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường. Sớm rà soát lại trình độ lao động và tay nghề lao động để có giải pháp quy hoạch lại mạng lưới đào tạo phù hợp với sự biến động của thị trường lao động. Quan tâm chính sách cải cách tiền lương cho người lao động và các chế độ phúc lợi đi kèm. Quan tâm năng suất lao động của người lao động, quản lý lao động để đảm bảo phân vùng, có sự phát triển hài hòa.

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Văn Hội thống nhất cao với dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Theo đại biểu, tái cơ cấu nền kinh tế là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cần quan tâm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định kinh tế thị trường, kiềm chế lạm phát.

Quan tâm liên kết vùng, miền, giữa thành thị với nông thôn, đặc biệt phát huy có hiệu quả các nguồn lực. Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng theo yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, giai đoạn 2021 - 2025 kể cả giai đoạn tiếp theo. Quan tâm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thực hiện tốt tam nông. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể rõ ràng hơn trong khuyến khích bảo hộ, bao tiêu sản phẩm của nông nghiệp. Quan tâm kinh tế nông thôn đặc biệt là vùng ĐBSCL. Đại biểu cũng thống nhất Quốc hội nên có nghị quyết về phát triển vùng ĐBSCL đảm bảo hiệu quả hơn.

Cần sự tham vấn, xem xét mục tiêu phát triển vùng, tỉnh trong quy hoạch sử dụng đất

Về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn tán thành dự kiến quy hoạch của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đại biểu phát triển kinh tế phải có kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất.

Tất cả chương trình, dự án đều nằm trên đất, do vậy nếu không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng và quốc gia sẽ khó thực hiện và không phù hợp với Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành năm 2017.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 là cần thiết phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Đại biểu đề nghị, trong quy hoạch, Chính phủ vừa thực hiện theo trật tự quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh nhưng cần sự tham vấn, xem xét mục tiêu phát triển vùng, tỉnh đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về vần đề đất lúa khu vực ĐBSCL, đại biểu đề nghị Chính phủ nhìn nhận thực trạng đất lúa trên giấy và đất lúa thực tế dần thu hẹp và đi đến thừa nhận đúng thực tế hiện trạng đất của giai đoạn 2021 - 2030. Chính phủ cần có quan điểm mở rộng không gian phát triển kinh tế biển, xem xét lại việc quản lý đất đai khu vực biên giới biển, mặt nước đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Cần quy định chặt chẽ vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh vừa phát triển tiềm năng kinh tế biển cho 28 tỉnh, thành có biên giới biển.

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Tuyết

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Tuyết

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Văn Hội cho rằng: Cần xác định đất là nguồn lực quan trọng trong phát triển, do vậy khi thực hiện quy hoạch nên hướng đến mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm. Nên quan tâm đến đảm bảo quốc phòng, an ninh và môi trường. Cần có sự chung tay phối hợp giữa các ngành, các cấp, công an, quân sự trong kiểm tra, thẩm tra chặt chẽ vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra kịp thời điều chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý quy hoạch sử dụng đất theo mục đích. Tránh tình trạng quy hoạch treo gây bức xúc trong nhân dân.

Phát biểu tại tổ, đại biểu sở, ngành đều thống nhất và đồng tình với nội dung do Chính phủ chuẩn bị. Báo cáo đã khái quát được những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội trong thời gian qua và định hướng cho thời gian tới. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm ngoài tác động của biến đổi khí hậu còn tác động của dịch bệnh. Xem xét bổ sung thêm phương án ứng phó dịch bệnh nhất là trong bối cảnh những quốc gia còn yếu thế do vậy cần có những cơ chế chính sách mang tính toàn cầu kêu gọi sự hợp tác, liên kết về vấn đề này.

Cần chuẩn bị hành trang cho nền nông nghiệp xanh; Nhà nước, Chính phủ cần có những cơ chế thiết thực mang tính khuyến khích quan hệ sản xuất mới, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, có những mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Có chính sách ưu tiên cho loại hình kinh tế tập thể. Có chính sách cơ cấu lại hệ thống tín dụng, cần cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL.

Với những ý kiến đóng góp từ các sở, ngành Tổ đại biểu số 15 sẽ ghi nhận, tổng hợp gửi về Văn phòng đại biểu Quốc hội.

P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN