Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh thảo luận trực tuyến Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi

28/10/2021 - 22:32

BDK - Chiều 28-10-2021, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến. Tại điểm cầu tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia phát biểu góp ý về Dự án Luật điện ảnh sửa đổi.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn và Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: P. Tuyết

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn và Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: P. Tuyết

Đại biểu cơ bản đại biểu thống nhất với Dự án Luật điện ảnh sửa đổi. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho rằng: Về giải thích từ ngữ tại khoản 12 Điều 3 giải thích: Phim Việt Nam là phim được phép phổ biến tại Việt Nam theo quy định của luật này và có hai trong ba yếu tố sau: đạo diễn có quốc tịch Việt Nam, ngôn ngữ chủ yếu trong phim là tiếng Việt, có ít nhất một cơ sở điện ảnh Việt Nam tham gia sản xuất phim. Trong trường hợp khác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.

 Đối với 3 yếu tố để xem xét có phải là phim Việt Nam hay không, đại biểu đề nghị yếu tố “ngôn ngữ chủ yếu trong phim là tiếng Việt” phải là yếu tố cứng. Bởi lẽ nếu quy định như trên, một bộ phim đảm bảo hai yếu tố còn lại nhưng ngôn ngữ trong phim lại là tiếng nước ngoài, diễn viên cũng là người ngoại quốc mà ta vẫn gọi là phim Việt Nam thì không phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị luật nên quy định cụ thể, làm căn cứ thực hiện luôn mà không giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định trong những trường hợp khác.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, tại khoản 4, Điều 15 dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Đại biểu thống nhất chọn phương án 2 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đấu thầu đối với phim có các nội dung khác nhằm tạo sự bình đẳng và phù hợp với Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung trong dự án luật quy định đối với phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, mức đầu tư như thế nào thì giao nhiệm vụ, đặt hàng. Quy định rõ mức kinh phí đối với phim sản xuất bằng ngân sách nhà nước từ bao nhiêu trở lên mới cần làm dự án. Với định mức kinh phí bao nhiêu thì giao cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp làm chủ đầu tư dự án và với định mức kinh phí bao nhiêu thì giao cho UBND cấp tỉnh. Nếu áp dụng các quy định, quy trình về sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước như hiện nay thì thủ tục quá phức tạp, khó đảm bảo thời gian như việc sản xuất các video clip, phóng sự tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, tại điểm c, d, khoản 2, Điều 20 dự thảo luật quy định “người cao tuổi được giảm ít nhất 20% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ tại rạp chiếu phim; người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ tại rạp chiếu phim”. Đối với quy định này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, mở rộng bổ sung thêm một số đối tượng được miễn giảm giá vé gồm: học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng núi, hải đảo được xem phim chiếu rạp trong dịp hè, Tết, ngày 1-6; công nhân lao động thu nhập thấp, làm việc ở nơi có điều kiện khó khăn được doanh nghiệp hỗ trợ xem phim dịp nghỉ dưỡng, lễ, Tết… vì đây cũng là những nhóm đặc thù, yếu thế cần được hỗ trợ để tạo sự công bằng trong hưởng thụ dịch vụ phim ảnh của xã hội. Việc hỗ trợ hay tài trợ miễn phí cần có sự hướng dẫn cụ thể, thể hiện sự đóng góp cho xã hội của các doanh nghiệp phổ biến thêm trên hệ thống chiếu rạp.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với việc quay lén phim tại các rạp và phổ biến trên không gian mạng. Vì hiện nay, việc quay lén phim tại các rạp và phát tán trên không gian mạng vẫn còn diễn ra khá nhiều mà chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhà làm phim.

Về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn, tại khoản 2 Điều 24 quy định “Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi phí tổ chức buổi chiếu phim ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm tối thiểu 50% chi phí tổ chức buổi chiếu phim ở các vùng nông thôn”. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng: Việc ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí cho các buổi chiếu phim tại địa bàn trên là rất cần thiết vì đa phần hiện nay các buổi chiếu phim này là nhằm thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với các địa bàn nông thôn hiện nay còn rất khó khăn nên được ngân sách đảm bảo chi phí với tỷ lệ cao và đại biểu đề xuất là 80%.

Sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi.

Tin, ảnh: P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN