Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi

28/10/2021 - 13:08

BDK.VN - Sáng 28-10-2021, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia thảo luận Dự án Luật Thi đua, khen thưởng.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia thảo luận Dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi.

Tham gia phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bến Tre Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, các nội dung báo cáo thẩm tra đưa ra rất xác đáng, cần tiếp thu đầy đủ.

Để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng: Về nguyên tắc thi đua - khen thưởng, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 6 của Dự thảo Luật có quy định nguyên tắc: “Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó”. Đại biểu thống nhất cao với việc bổ sung nguyên tắc này. Bởi lẻ, quy định này sẽ làm căn cứ cho việc xét tặng các hình thức khen thưởng trở về đúng bản chất, đảm bảo gắn công trạng, thành tích với hình thức khen thưởng, tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nhân, trí thức, khắc phục hạn chế bất cập trong thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã được sửa đổi năm 2005, năm 2013, như việc cộng dồn, tích lũy thành tích xây dựng lộ trình khen thưởng và có sự nhường nhau để cá nhân có thể đeo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn, nếu bị gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.

Đại biểu cũng thống nhất bổ sung nguyên tắc “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn miền núi hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 6. Thời gian qua, tỷ lệ khen thưởng cho người trực tiếp lao động rất thấp trong so sánh tương quan với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, ngoài địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm khen thưởng theo nguyên tắc trên, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Về danh hiệu vinh dự Nhà nước “tỉnh anh hùng, thành phố anh hùng” tại Khoản 2, Điều 58 của dự thảo luật có quy định tiêu chuẩn là phải năng động, sáng tạo là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước. Quy định tiêu chuẩn như trên ngay từ đầu đã giới hạn đối tượng được xem xét. Các tỉnh nhỏ, lẻ sẽ không bao giờ là ứng cử viên để được xem xét khen tặng danh hiệu này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh lại quy định này để nhằm khuyến khích tất cả các tỉnh, thành đều hăng hái tích cực tham gia  phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh. Việc một tỉnh, thành là trung tâm kinh tế - văn hóa hay là động lực thúc đẩy sự phát triển chỉ là điểm cộng khi xem xét danh hiệu.

Về hình thức khen thưởng kỷ niệm chương, tại Khoản 2, Điều 69 của dự thảo luật quy định: Kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; tên kỷ niệm chương, đối tượng, tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương do bộ, ban ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội quy định. Kỷ niệm chương phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trung ương. Để đạt hình thức khen thưởng này, các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đưa ra quy định về tiêu chuẩn sẽ khó và khi đạt danh hiệu chỉ nhận kỷ niệm chương mà không có tiền thưởng đi kèm. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung kinh phí khen thưởng kèm theo hình thức kỷ niệm chương.

Về thẩm quyền quyết định khen thưởng của Chủ tịch UBND cấp xã tại Khoản 3, Điều 79 của dự thảo luật quy định Chủ tịch UBND cấp xã quyết định tặng danh hiệu lao động tiên tiến, giấy khen đối với cán bộ, công chức, nông dân, người lao động thuộc quản lý của cấp xã và công nhận danh hiệu gia đình tiêu biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị bổ sung thêm đối tượng thuộc thẩm quyền khen thưởng của Chủ tịch UBND cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở xã, ấp và tương đương. Theo đại biểu, ngoài đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trong hệ thống chính trị ở cơ sở cũng thuộc sự quản lý của cấp xã. Hiện nay, người không chuyên trách công việc tương đối nhiều trong khi chế độ chính sách còn hạn chế.

Về hiệu lực thi hành, tại Điều 98, đại biểu đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp về việc áp dụng luật trong trường hợp các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có sự điều chỉnh.

Tin, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN